Quảng Nam: Một số khu tái định cư hàng chục năm chờ “sổ đỏ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, hàng trăm hộ dân ở Quảng Nam đã được chính quyền cấp đất, dời về khu tái định cư mới. Tuy nhiên, sau hàng chục năm, những hộ dân này vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”).
Sau hàng chục năm dời về khu TĐC, nhiều hộ dân tại Quảng Nam vẫn chưa được cấp“sổ đỏ”.
Sau hàng chục năm dời về khu TĐC, nhiều hộ dân tại Quảng Nam vẫn chưa được cấp“sổ đỏ”.

Được cấp đất hàng chục năm vẫn chưa có “sổ đỏ”

Năm 2000, căn nhà nằm sát biển của bà Huỳnh Thị Thân (ngụ thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) sóng đã mấp mé mái hiên, có thể bị “nuốt chửng” bất cứ lúc nào. Cả gia đình đang bất an, lo lắng thì nhận được tin UBND tỉnh có Quyết định 1474 ngày 7/6/2000 phê duyệt phương án di dời dân vùng sạt lở đến khu tái định cư (TĐC).

Gia đình bà Thân cùng hàng chục hộ khác được địa phương di dời vào sống ở khu TĐC thôn Long Thạnh cách đó khoảng 1km. Tại đây, bà Thân được Nhà nước hỗ trợ cấp thửa đất 250m2, một giếng bơm nước và 1,5 triệu đồng để an cư. Bà tận dụng những vật dụng còn dùng được để dựng căn nhà tại nơi ở mới cho đến bây giờ.

Theo bà Thân, trước đây khu TĐC Long Thạnh toàn đồi cát, hệ thống đường sá, điện nước chưa có. Đến năm 2002, người dân cùng chính quyền địa phương làm con đường đất đỏ, sau này nâng cấp thành đường nhựa ĐT613B như hiện nay. Hạ tầng giao thông khu TĐC được hoàn thiện, giao thương buôn bán, đi lại cũng thuận tiện, ổn định hơn. Nhà cửa, đất đai dần có giá nên một số người muốn chuyển nhượng hoặc thế chấp vay vốn làm ăn, nhưng họ lại không thể làm được vì chưa được cấp “sổ đỏ”.

“Năm 2012, địa phương có họp dân để kê khai thông tin làm “sổ đỏ” rồi để đó. Năm 2018, chúng tôi lại tiếp tục được thông báo đi kê khai, làm hồ sơ nhưng đến nay đã 5 năm tiếp theo mà “sổ đỏ” vẫn xa vời”, bà Thân nói và cho rằng, sẽ rất khó để người dân có “sổ đỏ” nếu không được chính quyền hỗ trợ, bởi chi phí làm sổ theo khung giá đất hiện nay, mỗi hộ phải mất khoảng 400 triệu đồng. Điều này vô cùng khó với những hộ như gia đình bà.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thanh Trình (ngụ thôn Long Thạnh) cũng được Nhà nước cấp thửa đất rộng 250m2. Ông Trình cất căn nhà nhỏ, phần còn lại mở xưởng mộc làm ăn.

“Từ ngày được cấp đất, xây nhà đến nay đã 23 năm nhưng nhà tôi vẫn chưa có “sổ đỏ”, nên không có cách nào thế chấp nhà đất vay vốn, trong khi xưởng mộc cần vốn làm ăn. Giờ giá đất lên cao, lỡ đâu có một dự án gì đi qua, chúng tôi cũng không biết căn cứ vào đâu để xin giải quyết”, ông Trình nói.

Tương tự, hàng chục hộ dân khác ở xã Tiên An (huyện Tiên Phước) cũng chung cảnh chờ “sổ đỏ” sau gần 15 năm về khu TĐC. Trước đó, năm 2009, huyện Tiên Phước thực hiện chủ trương sắp xếp dân cư vùng chịu ảnh hưởng thiên tai, di dời các hộ dân ở khu vực nguy hiểm về khu TĐC thôn 2.

Gia đình bà Võ Thị Chín cùng hơn 30 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 được di dời về khu TĐC đã gần 15 năm và chưa được cấp “sổ đỏ”, dù đã nhiều lần làm đơn kiến nghị. “Xuống xã hỏi, cán bộ địa chính bảo lên huyện. Lên huyện, cán bộ Phòng TN&MT nói bị trục trặc giấy tờ, còn lâu lắm, nhưng trục trặc gì người dân không được biết”, bà Chín nói.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo tìm hiểu, hiện xã Tam Tiến (Núi Thành) có 141 hộ dân thuộc diện di dời theo Dự án di dời người dân khỏi vùng sạt lở, thấp trũng, ngập lụt nhưng chưa được cấp “sổ đỏ”. Trong đó khu TĐC thôn Long Thạnh có 77 hộ, khu TĐC thôn Ngọc An 64 hộ.

Ông Nguyễn Xuân Uy, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, thông tin, nguyên nhân chính khiến 141 hộ dân chưa được cấp “sổ đỏ” vì khi làm thủ tục kê khai, cán bộ kiểm tra hồ sơ dự án đã phát hiện thiếu quyết định cấp đất với từng hộ, do đó không có cơ sở để cấp “sổ đỏ”. Ngoài ra, khi UBND huyện lập trích đo địa chính trình Sở GTVT, còn phát hiện 2 khu TĐC nằm trong hành lang ATGT tuyến đường ĐT613B.

“Người dân được di dời vào khu TĐC trước rồi mới mở đường, nhưng việc lấy thông tin, lập hồ sơ đất đai cho dân được thực hiện sau khi tuyến đường đã hoàn thiện, nên vướng mắc. Việc này địa phương đã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên, nhưng vẫn bế tắc”, ông Uy nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Dân cho biết, thời điểm triển khai di dời năm 2000 không ban hành quyết định giao đất ở khu TĐC cho người dân. Đồng thời, nơi ở mới cũng không có quy hoạch phân lô, gây khó khăn cho việc xác nhận nguồn gốc để cấp “sổ đỏ”. Huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh và các sở, ngành xin ý kiến chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc.

Với các hộ dân tại xã Tiên An (huyện Tiên Phước) chưa được cấp “sổ đỏ” sau gần 15 năm sinh sống ở khu TĐC mới, theo Chủ tịch UBND xã Phan Hồng Phát, vì nhiều trường hợp người dân khi đến nơi ở mới nhưng chưa thực hiện thủ tục thu hồi giấy tờ đất tại nơi ở cũ. Ngoài ra, các thủ tục liên quan cấp “sổ đỏ” tại nơi ở mới cũng chưa đầy đủ.

Liên quan sự việc, đại diện Sở TN&MT lý giải, do các quy định của Luật Đất đai có sự điều chỉnh, thay đổi qua các thời kì, nên việc cấp “sổ đỏ” cho người dân tại các khu TĐC gặp nhiều trở ngại. Lúc thực hiện di dời không có thủ tục, giá đất không có quy định, nhưng bây giờ phải áp dụng theo quy định của Luật Đất đai 2013. Sở đang rà soát lại 18 huyện, TX, TP để báo cáo UBND tỉnh có phương án giải quyết.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận và đề nghị UBND tỉnh thống kê có bao nhiêu trường hợp người dân được bố trí TĐC mà chưa được cấp “sổ đỏ”; để báo cáo cấp có thẩm quyền có hướng xử lý cho người dân.

Đọc thêm