Bị chồng cho “no đòn”
Sự việc bà Hải bỏ trốn đồng nghĩa với vỡ hụi nhanh chóng lan truyền khắp xã. Kéo theo đó là hàng loạt gia đình “mất ăn, mất ngủ”. Đặc biệt, không ít phụ nữ trong xã bị chồng cho “no đòn” vì…mất tiền vào tay bà Hải.
Bà Trần Thị C (41 tuổi, trú thôn Tân An) mếu máo kể, những năm qua, vợ chồng bà cùng người con trai vươn khơi bám biển để dành được 190 triệu đồng. Khi nghe bà Hải đặt vấn đề vay khoản tiền trên và trả lãi cao nên bà Cúc đồng ý.
“Cuối năm 2016, tôi đến nhà bà Hải để lấy tiền về chung vốn đóng tàu đi biển nhưng không gặp bà Hải. Sau đó, nhiều lần tôi gọi điện thoại để đòi nhưng không được. Hai vợ chồng tôi vì chuyện này mà xảy ra mâu thuẫn. Nay bà Hải bỏ trốn, tiền của tôi không lấy lại được. Vì việc này mà tôi đã bị chồng đánh”, bà C nói trong nước mắt.
Tương tự như bà C, bà Lê Thị Ng (47 tuổi, trú thôn Tân An) đã góp hụi cho bà Hải với số tiền 42 triệu đồng và 25 chỉ vàng. Khi biết tin gia đình bà Hải bỏ trốn, bà Ng như người mất trí.
“Do quá tin tưởng hàng xóm nên tôi mới cho vay, cả hai bên có viết giấy tờ đầy đủ. Trong giấy Hải hứa sẽ trả khi nào tôi cần, thế mà bây giờ nó bỏ đi rồi, biết bao giờ mới trở về. Mấy hôm nay tôi không dám về nhà vì sợ chồng đánh”, chị Nga nói với giọng buồn bã.
Theo đơn tố cáo của bà Đinh Thị Th (53 tuổi, trú thôn Tân An) thì năm 2016, lợi dụng mối quan hệ hàng xóm láng giềng, vợ chồng bà Hải đã mượn của bà 18 triệu đồng.
“Gần nửa tháng qua tôi không dám về nhà, mỗi khi về nhà lại bị chồng đánh nên xin ở nhờ nhà người thân. Vì quá tin tưởng vào vợ chồng bà Hải nên tôi đã đưa tiền cho họ mượn tiền, đến khi xảy ra việc thì chỉ biết tự trách mình vì đã nhẹ dạ cả tin”, người phụ nữ xót xa nói.
Nạn nhân đáng thương nhất có lẽ là bà Đặng Thị K (70 tuổi, trú thôn Tân An). Bà K vốn bị bệnh hở van tim nên khi biết tin bà Hải trốn, bà K đã suy sụp tinh thần. Được biết, bà K cho bà Hải vay 5 chỉ vàng và có dự định lấy tiền gốc lẫn lãi trước Tết vì qua Tết là bà K đi bệnh viện điều trị bệnh.
“Cách đây 3 năm về trước, cô Hải đến nói ngon, nói ngọt mượn vàng rồi hứa trả lãi suất cao. Giờ cô bỏ trốn, trong lúc già yếu đau ốm triền miên, tôi không biết lấy tiền đâu để thuốc thang”, bà K than thở.
Quán tạp hóa gia đình bà Hải |
Nhiều gia đình khốn đốn
Bà K cho biết thêm, không chỉ bà mà còn có hàng chục người khác trong thôn cho bà Hải vay vàng giờ đang trong cảnh khốn đốn. Năm 2015, bà Trương Thị X (46 tuổi, trú thôn Tân An) cho bà Hải mượn 150 triệu đồng và hứa trả lãi suất 0,8% mỗi tháng, khi nào cần tiền sẽ hoàn trả.
“Thời gian đầu bà Hải trả tiền rất sòng phẳng, ai muốn lấy lại tiền đến gặp là sẽ có ngay nên mọi người tin tưởng cho vay, góp hụi. Khoảng giữa năm 2016, nhiều lần đến gặp Hải lấy tiền rất khó và bà ta thường xin khất liên tục, sau đó lặng lẽ bỏ trốn.
Vì nghĩ hàng xóm láng giềng, tin tưởng nên chúng tôi cho mượn. Nào ngờ giờ mọi chuyện thành ra như thế này, trong khi Tết đã cận kề rồi, không biết tiền đâu để chi tiêu đây”, bà X nói trong nước mắt.
Theo phản ánh của người dân thôn Tân An, cuối năm 2016, bà Hải khóa nhà cửa rồi cùng cả gia đình rời khỏi địa phương. Lúc này, hàng chục người dân tá hỏa biết mình bị lừa. Họ gọi vào số máy bà Hải để đặt ván đề lấy lại tiền thì không liên lạc được.
Qua thống kê sơ bộ, tại thôn Tân An có khoảng 60 người đưa tiền, vàng cho bà Hải với hình thức hưởng lãi suất 0,8% tháng. Người góp hụi và cho vay vàng cũng nhận lãi suất tương tự. Tổng số tiền người dân thôn Tân An đưa cho bà Hải dưới hình thức cho vay và chơi hụi là hơn 4 tỷ đồng, trong đó người ít nhất 10 triệu đồng, người nhiều nhất 200 triệu đồng,
Bà Đặng Thị B, một nạn nhân bị mất 70 triệu đồng trong vụ này nói: “Gia đình tôi là ngư dân bám biển ven bờ mấy chục năm nay. Số tiền dành dụm không nhiều, chỉ có 70 triệu đồng. Nghe lời mời góp vốn chơi hụi ngọt như mật của họ nên tôi đã tin tưởng. Vậy mà chừ trắng tay thật rồi”.
Gia đình ông Trần C ở thôn Tân An góp 60 triệu đồng chơi hụi với vợ chồng ông Hải. Nghe tin đôi vợ chồng này bỏ nhà chạy mất tăm tích, ông C sững sờ.
“Tôi đi làm thuê, làm mướn, ngay cả lúc mệt mỏi, ốm nhẹ cũng bươn bả đi làm. Vợ tôi đi bán từng gánh cá, thu được không bao nhiêu tiền. Đói không dám mua để ăn, muốn mặc không dám may để mặc. Chắt chiu dành dụm, góp vốn chơi hụi để mong ngày thu lại tiền mà sửa chữa căn nhà cấp 4 đã bị hỏng nặng. Tết đã gần đến, tiền thì mất, chẳng còn tâm trạng nào nữa”, ông C thất thần.
Tại thôn Tân An, có hàng chục hộ dân vì đặt niềm tin không đúng chỗ nên lâm vào cảnh không còn một đồng bỏ túi, dù ngày tết đã cập kề, nhu cầu sắm sửa rất lớn. Nhiều gia đình đã chạy ngược chạy xuôi, hết ghé vào nhà trưởng thôn rồi lại chạy lên xã, lên huyện để gửi đơn hoặc tư vấn tìm cách thu lại số tiền đã đưa cho bà Hải.
Ông Trần Công Tân - Trưởng Công an xã Bình Minh cho biết, gia đình bà Hải trốn khỏi thôn sau khi bị các gia đình chơi hụi đến đòi nợ, đe dọa. Chồng bà Hải bỏ trốn trước, còn bà Hải mới rời khỏi địa phương vào ngày 11/1. Hiện Công an huyện Thăng Bình đã nhận được và nghiên cứu xử lý phù hợp.
Theo tìm hiểu được biết, bà Hải có 3 người con. Chồng bà Hải làm nghề đi biển hàng chục năm qua, còn bà Hải ở nhà buôn bán tạp hóa. Vì vợ chồng đều có công việc ổn định nên kinh tế gia đình bà Hải thuộc dạng khá. Tuy nhiên, muốn giàu nhanh nên bà Hải tổ chức chơi hụi. Rồi dần dà, chi tiêu không có kế hoạch khiến vợ chồng bà Hải ngày càng lâm nợ.
Để trả nợ cho người này, bà Hải vay tiền của người khác với lãi suất cao. Cứ thế, nợ nối nợ cho đến khi số tiền cao ngất ngưỡng không thể trả nổi nên 2 vợ chồng bà Hải bỏ trốn.
“Sự việc rất đau lòng, gây rúng động làng quê mấy hôm nay. Không biết sự việc sẽ được công an giải quyết thế nào. Mong mọi sự bình an trở lại thôn xóm để mọi người chú tâm vào công việc”, ông Đặng Văn Tạo - Trưởng thôn Tân An nói.
Hiện tại, Nhà nước chưa công nhận chơi hụi là một ngành nghề kinh doanh. Tham gia hụi (chơi hụi) được coi là một hình thức giao dịch về tài sản (tiền) nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân. Pháp luật chỉ nghiêm cấm việc tổ chức hụi để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Điều 10 Nghị định 144/2006/NĐ-CP quy định, lãi suất đối với dây hụi không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Đối với chủ hụi có hành vi, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người chơi hụi như trường hợp trên thì người chơi hụi có thể tố cáo đến cơ quan pháp luật đề nghị xử lý theo Điều 139 Bộ luật hình sự về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.