Quảng Ninh: Cần mạnh tay với những doanh nghiệp khai thác tài nguyên trái phép

(PLO) - Công an tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố vụ án khai thác tài nguyên trái phép và những "cát tặc" núp bóng doanh nghiệp đã phải tra tay vào còng. Nhưng, vẫn còn những doanh nghiệp vơ vét tài nguyên khi  khai thác ngoài ranh giới mỏ được cấp nhưng vẫn chưa có chế tài thỏa đáng.
Quảng Ninh: Cần mạnh tay với những doanh nghiệp khai thác tài nguyên trái phép

Lợi dụng dự án, bòn rút tài nguyên

Nhiều năm trở lại đây, xã Lê Lợi như một đại công trường với nhiều dự án phát triển kinh tế. Tuy nhiên, dư luận cho rằng hầu hết các dự án kinh tế này đều chỉ là vỏ bọc cho hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên trái phép. 

Trên địa bàn xã Lê Lợi có khoảng 10 dự án phát triển kinh tế và 5 điểm ngoài ranh giới dự án phát lộ tài nguyên đất sét và có hiện tượng tự ý thu hồi, khai thác đất sét trái phép. Cụ thể là mỏ sét Yên Mỹ của Công ty Cổ phần xi măng Thăng Long; dự án điểm tập kết cát tại mỏ sét của Công ty Cổ phần Viglacera Hạ Long; dự án điểm khai thác cát sau nhà máy gạch Hoành Bồ của Công ty Cổ phần viglacera Hạ Long; dự án nhà máy sản xuất gạch không nung bằng bê tông xốp của Công ty Cổ phần liên doanh 135  Hạ Long, thôn Đồng Tâm. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Trang trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp của ông Trần Xuân Tới thôn Đè E, xã Lê Lợi được UBND huyện Hoành Bồ phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 759/QĐ ngày 07/4/2016. Mặc dù, chủ dự án chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất) sang đất phi nông nghiệp nhưng ngày 30/12/2016, ông Nguyễn Đức Nội, người thi công dự án trên đã tự ý san gạt mặt bằng với tổng diện tích 25.468m2. 

Điều đáng nói là trong quá trình thực hiện dự án khi phát lộ sét, ông Nguyễn Đức Nội đã không báo cáo chính quyền địa phương mà tự ý khai thác sét với khối lượng 13.65m3/ ngày, thời gian khai thác sét kéo dài 31 ngày. Hành vi trên của ông Nội đã bị phạt hành chính với số tiền lên đến 31 triệu đồng và buộc phải khôi phục lại hiện trạng của đất, thực hiện cải tạo môi trường khu vực đã khai thác. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên ngày 9/5 chủ dự án trên không những tích cực thực hiện biện pháp cải tạo môi trường mà tại đó hiện trường khai thác đất đai ngổn ngang, nham nhở, nhiều thùng vũng sâu thậm chí, hệ thống máy xúc đất, xe tải và hệ thống sàng rửa, máy bơm nước vẫn đang trong tư thế “sẵn sàng” vào việc. 

Tránh tình trạng lợi dụng dự án để khai thác tài nguyên, ngày 25/4/2017, UBND huyện Hoành Bồ ra thông báo số 98/TB-UBND về việc tạm dừng triển khai thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Lê Lợi với lý do những dự án này được nghiên cứu trên khu vực có tài nguyên sét. Ngoài Dự án Trang trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp của ông Trần Xuân Tới thì còn có Dự án Vườn trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Văn Đức, tại thôn Yên Mỹ; Dự án Vườn trồng cây ăn quả và Dự án trang trại trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Tiến Đài tại thôn Yên Mỹ.

Vô tư khai thác ngoài ranh giới mỏ

Trong khi những dự án phát triển kinh kế trên địa bàn xã Lê Lợi phát lộ tài nguyên đã bị UBND huyện Hoành Bồ thông báo tạm dừng, thì việc khai thác khoáng sản ngoài ranh giới mỏ tới 2,8 ha của Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long (Cty XM Thăng Long) lại một lần nữa cho thấy vấn đề quản lý tài nguyên trên đại bàn xã Lê Lợi nóng hơn bao giờ hết. 

Khu vực khai thác sét ngoài phạm vi được phép khai thác của Cty MX Thăng Long
 Khu vực khai thác sét ngoài phạm vi được phép khai thác của Cty MX Thăng Long

Được biết, ngày 8/5/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định 1425/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường đối với Cty XM Thăng Long. Cty XM Thăng Long bị phạt 170 triệu đồng do khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác, 8 triệu đồng do chiếm đất phi nông nghiệp không phải đất ở khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất. Quyết định nêu rõ, yêu cầu Cty XM Thăng Long phải dừng ngay các hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực không có giấy phép khai thác khoáng sản và chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất, buộc thực hiện giải pháp đưa khu vực khai thác, lấn chiếm về trạng thái an toàn, buộc khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm và trả lại diện tích đã lấn chiếm. 

Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhân dân, nhiều ngày sau khi có Quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Quảng Ninh thay vì thực hiện các biện pháp cải tạo môi trường thì phía Cty XM thăng Long vẫn tiếp tục khai thác, bốc xúc và vận chuyển tài nguyên tại khu vực chưa được phép khai thác.

Ngày 11/5, trao đổi với phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam ông Hoàng Văn Thụy, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ cho biết, việc nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, khói bụi là có căn cứ bởi trên địa bàn xã có nhiều dự án kinh tế nên điều đó không tránh khỏi. Đồng thời, ông Thụy khẳng định mọi hành vi khai thác khoáng sản trái phép, khai thác ngoài phạm vi cấp phép đã được chính quyền địa phương xử lý kịp thời. 

Trong Biên bản kiểm tra hiện trường ngày 10/5/2017 của UBND huyện Hoành Bồ cũng thể hiện rõ nội dung Cty XM Thăng Long vẫn tiếp tục bốc xúc đất, cát trên diện tích đang bốc xúc vào khoảng 200m2, sâu 2m ngoài phạm vi được phép khai thác khoáng sản đã được sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cấp.

Việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố vụ án khai thác trái phép tài nguyên, bắt lãnh đạo Công ty TNHH Dương Dũng là một hành động cho thấy chính quyền đang mạnh tay với những hành vi khai thác tài nguyên trái pháp luật. Để những dự án kinh tế trá hình như đã nêu trên băm nát đất đai, đục khoét tài nguyên hay khai thác ngoài ranh giới mỏ của ty XM Thăng Long cũng là những vi phạm nghiêm trọng cần có chế tài xử lý để tài nguyên của đất nước không chảy vào túi một vài cá nhân.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Đọc thêm