Vi phạm nghiêm trọng nhưng thoát án
Năm 2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với 9 cán bộ, công chức Phòng TN và MT TP Hạ Long để điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong đó, lần lượt các cá nhân giữ chức vụ của Phòng TN và MT bị khởi tố, gồm: Đào Nam Thành, Phó phòng kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.Hạ Long, Nguyễn Minh Thanh, Đặng Quang Hiển, Lê Truyền, chuyên viên Phòng TN và MT. Ngoài ra, các cán bộ cấp phường cũng bị khởi tố gồm Đặng Quang Thép, Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy, Phạm Văn Chức, Chủ tịch UBND phường Hùng Thắng, Phạm Hùng Cường- Giám đốc Cty CP Đầu tư phát triển tài nguyên.
Các bị can này đều bị xử lý hình sự vì sai phạm liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số cá nhân trên địa bàn phường Hùng Thắng, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. Trong đó có việc biến 1.700m2 đất nuôi trồng thủy sản nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Hùng Thắng thành đất trồng cây lâu năm cho ông Lê Tiến Bộ và đề nghị chuyển đổi 1.000m2 thành đất ở.
Các cán bộ Phòng TN và MT Hạ Long còn làm hồ sơ cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Phạm Hùng Cường và bà Vũ Thị Kim Oanh tại phường Bãi Cháy, với diện tích được cấp gần 5.000m2. Trong đó, sổ đỏ số BG 478421 có diện tích gần 2.500m2, và sổ đỏ số BG 478422 diện tích gần 2.200m2. Diện tích đất được cấp vốn là đất rừng phòng hộ do Lâm trường Hồng Gai quản lý nhưng đã được phù phép thành đất khai hoang của vợ chồng ông Cường để biến đất công thành tài sản cá nhân, sau đó đem bán chia nhau để hưởng lợi.
Khu đất xảy ra sai phạm khiến 9 cán bộ của TP Hạ Long bị khởi tố |
Trong những sai phạm trên, các cán bộ trực tiếp làm hồ sơ cấp sổ đỏ trái pháp luật để trục lợi đã bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đối với ông Nguyễn Văn Thanh, lúc đó giữ chức Trưởng phòng TN và MT, là người ký trình cấp sổ đỏ trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng, có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và đáng lẽ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất đối với sai phạm này.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh không bị xử lý hình sự mà người chịu trách nhiệm lớn nhất trong vụ án này là ông Đào Nam Thành, cấp phó của ông Thanh. Được biết, Cơ quan điều tra cũng đã đề nghị khởi tố đối với ông Thanh nhưng đã bị VKS từ chối phê chuẩn. Sự “vênh” nhau giữa Cơ quan điều tra và VKS trong quan điểm xử lý đối với ông Nguyễn Văn Thanh cho thấy, quan chức này không dễ bị xử lý.
Trở thành “vua một cõi”, quản lý gần 400 tỷ đồng của nhà nước
Không những không bị xử lý hình sự vì để xảy ra vi phạm nghiêm trọng tại đơn vị mà ông Thanh là lãnh đạo cao nhất, ông Thanh còn được chuyển công tác đến một vị trí “đắc địa” hơn, đó là làm người đại diện vốn nhà nước tại Công ty cổ phần nước sạch Quảng Ninh (Quawaco). Hiện nay, ông Nguyễn Văn Thanh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Công ty Quawaco vốn là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Tiếng là công ty cổ phần, nhưng Quawaco thực chất vẫn là một doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ đến 95% cổ phần. Theo sổ đăng ký cổ đông của Quawaco, hiện nay doanh nghiệp này có 1028 cổ đông, chủ yếu là người lao động được mua cổ phần ưu đãi, chỉ có duy nhất UBND tỉnh Quảng Ninh là cổ đông tổ chức.
Công ty Quawaco có số vốn điều lệ xấp xỉ 403 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Quảng Ninh nắm giữ 38.344.178 cổ phần. Toàn bộ số cổ phần này đều do ông Nguyễn Văn Thanh đại diện chủ sở hữu. Nói cách khác, nắm trong tay số vốn nhà nước gần 400 tỷ đồng, bằng khoảng 95% vốn điều lệ thì tiếng nói của ông Thanh là tiếng nói quyết định.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, đối với các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần thì chủ tịch HĐQT không được kiêm chức Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc Công ty. Luật đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, nhưng đến nay ông Nguyễn Văn Thanh vẫn giữ hai chức vụ quan trọng nhất của Công ty Quawaco. Với hai chức vụ chủ chốt trong HĐQT và bộ máy điều hành, cộng với quyền định đoạt tại Đại hội đồng cổ đông, thật không ngoa khi nói rằng, ông Nguyễn Văn Thanh chẳng khác gì chủ một doanh nghiệp tư nhân.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Anh, Công ty luật TNHH Trí Minh, việc để ông Nguyễn Văn Thanh nắm giữ hai chức vụ quan trọng nhất của Công ty Quawaco là trái pháp luật, có thể gây ra sự độc đoán, chuyên quyền trong quản lý đối với doanh nghiệp nhà nhà nước nắm quyền tuyệt đối này.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ cổ phần, khi ủy quyền quản lý phần vốn nhà nước, thông thường nhà nước phải cử ít nhất 3 đại diện với số cổ phần nắm giữ ngang nhau để giữ các chức vụ trong HĐQT, thực hiện việc kiểm soát quyền lực của bộ máy lãnh đạo Công ty. Đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ đến 95% cổ phần thì có nghĩa là người nhà nước giữ gần hết các vị trí trong HĐQT. Nếu chỉ ủy quyền cho một cá nhân làm đại diện vốn nhà nước thì cá ủy viên HĐQT khác chỉ là bù nhìn vì thực chất họ không có cổ phần nên cũng không có quyền gì.
Từ một cán bộ thoát tội trong một vụ án mà các cơ quan tố tụng người đòi xử, kẻ nói không, đến việc nắm giữ quyền lực tuyệt đối trong một doanh nghiệp nhà nước, có vẻ như ông Nguyễn Văn Thanh là một cán bộ may mắn hay là một quan chức bất khả xâm phạm?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.