Quảng Ninh: Từ bến cảng không phép, nhiều tàu thuyền vô tư hoạt động trái luồng tuyến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ nhiều tháng nay, tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn một bến cảng không được cấp phép đã thành điểm tập kết của nhiều phương tiện thủy nội địa hoạt động không đúng luồng tuyến, chở xe ô tô, container, hàng hóa, gas, vật liệu xây dựng ra các tuyến đảo Minh Châu, Cô Tô, mà không vướng phải bất cứ sự kiểm tra, kiểm soát nào của lực lượng chức năng.
Các ô tô chở đầy hàng hóa được xếp xuống tàu chuẩn bị hành trình đi các đảo tại bến cảng trái phép ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Các ô tô chở đầy hàng hóa được xếp xuống tàu chuẩn bị hành trình đi các đảo tại bến cảng trái phép ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Bến tàu không phép và những chuyến tàu “chui”

Theo phản ánh của người dân, phóng viên đã có mặt tại khu vực bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của hợp tác xã Gia Bảo thuộc thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn Ninh để tận thấy việc hàng loạt phương tiện thủy nội địa công khai hoạt động không đúng luồng tuyến, chở đủ loại hàng hóa từ vật liệu xây dựng, ôtô cho đến bình gas, đồ dân dụng ra các tuyến đảo Minh Châu, Quan Lạn, Cô Tô.

Tại khu vực Cảng Cái Rồng, các phương tiện thường tập hợp tại khu vực cảng để vận chuyển hàng hóa qua các phương tiện tàu trên bến.

Tuy nhiên, một con đường nhỏ cạnh bến tàu có nhiều dấu hiệu khả nghi khi nhiều phương tiện xe tải lớn, nhỏ, cả xe công, có hàng hóa men theo con đường rồi biến mất.

Theo lối đoàn xe đi, chúng tôi ghi nhận được tại một khu bãi tập kết cát, đá, các xe cùng hàng hóa đang tập kết trên bãi. Khu vực mép nước, tàu, nhiều phương tiện thủy phà một lưỡi ghế vào bờ. Một hai chiếc ô tô đang trên tàu, phà để đổ hàng.

Tàu chở đầy hàng hú còi, bắt đầu rời khỏi khu vực cảng bến trái phép và “tạm biệt” Trạm kiểm soát biên phòng Cái Rồng, cảng vụ, để đi ra đảo xa.

Tàu chở đầy hàng hú còi, bắt đầu rời khỏi khu vực cảng bến trái phép và “tạm biệt” Trạm kiểm soát biên phòng Cái Rồng, cảng vụ, để đi ra đảo xa.

Đúng 12 giờ trưa, các xe, hàng hóa được chủ tàu ngắm nghía, áng tải trọng, rồi sắp xếp thứ tự trên tàu, vì cả xe và hàng hóa là khối lượng lớn cần đảm bảo cân bằng tàu khi chạy.

Để mục sở thị hoạt động vận tải chui này, chúng tôi theo chân phương tiện thủy nội địa mang tên Thái Long 189 có số hiệu QN-7900. Qúa trình theo hành trình chuyến tàu mới thấy việc hoạt động chui được diễn ra công khai ngay trước mặt các lực lượng chức năng, từ biên phòng, cảng vụ, một cách khó hiểu?

Sau khi xếp đủ các loại hàng hóa từ bình gas, đồ gia dụng cho đến xe chở hàng hóa lên trên tàu, từng hồi còi lớn vang lên như báo hiệu tàu bắt đầu rời khỏi khu vực cảng bến và “tạm biệt” Trạm kiểm soát biên phòng Cái Rồng, thuộc Đồn biên phòng Quan Lạn, huyện Vân Đồn cách đó chỉ vài trăm mét.

Tàu hàng chuẩn bị cập bến trên đảo Minh Châu.

Tàu hàng chuẩn bị cập bến trên đảo Minh Châu.

Chẳng cần phải có lệnh xuất bến của cảng vụ, tàu nhanh chóng quay mũi để thẳng tiến ra các tuyến đảo Minh Châu và Cô Tô.

Tại khu vực biển gần cảng Cái Rồng, tàu Thái Long 189 ung dung chạy cắt qua tàu của lực lượng biên phòng Quan Lạn - đơn vị vốn có nhiệm vụ phối hợp kiểm tra, kiểm soát đăng ký người, phương tiện hoạt động ra, vào vùng biển đảo tại hai Trạm kiểm soát biên phòng là Cái Rồng thuộc thị trấn Cái Rồng và Đồng Hồ thuộc xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn.

Khoảng 16 giờ, tàu đến đảo Minh Châu và cập bến tại một điểm trạm trộn bê tông sát biển, phần tiếp nước được đổ đất đá, cơi nới nhô ra khỏi bờ. Lúc này một số xe con chuyển tải hàng hóa lên đất liền. Khoảng một giờ đồng hồ sau, khi các xe chuyển tải quay lại, tàu tiếp tục hành trình trên tuyến biển ra đảo Cô tô.

Hành trình tiếp theo tới đảo Cô Tô cũng là lúc trời bắt đầu nhá nhem tối. Trời mưa nhỏ cùng với sóng to khiến đoàn người theo xe thấm mệt vì đã lênh đênh trên biển gần 7 tiếng đồng hồ. Khoảng 19 giờ 30, từ xa xa những ánh đèn lấp ló, sáng rực cả góc trời chính là huyện đảo Cô Tô đang dần hiện ra trước mắt. Nhiều người trên đoàn tàu sa sầm mặt mày vì mệt mỏi và say sóng. Điểm đến cuối cùng là cảng Bắc Vàn tại huyện đảo Cô Tô. Tàu cập bến, đoàn xe nối đuôi nhau lên bến rồi theo tuyến đường vào thị trấn Cô Tô.

Theo quy định, phương tiện thủy nào cũng phải vào bến cảng được cấp phép và phải có lệnh xuất bến của cảng vụ cũng như có sự kiểm tra, giám sát của cán bộ biên phòng để nắm bắt con người, hàng hóa chuyên chở có đúng quy định. Tuy nhiên, suốt hành trình 8 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, cập các điểm bến phóng viên ghi nhận không hề có sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng nào.

Trước đó, trao đổi thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh, khẳng định sở không cấp phép bến cảng nào tại khu vực thị trấn Cái Rồng cho hợp tác xã Gia Bảo. Do đó bến cảng mà các phương tiện thủy neo đậu để tiếp nhận hàng chở ra các tuyến đảo là bến trái phép, bản thân các phương tiện nếu hoạt động tại đây cũng là đang hoạt động chui.

Còn về tình trạng một số phương tiện thủy chở hàng hóa hoạt động không đúng luồng tuyến, diễn ra công khai ngay trước mặt cơ quan chức năng, Trung tá Lê Thế Hưng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quan Lạn cho biết sẽ “rà soát”, kiểm tra lại thêm vì bản thân cũng chưa nắm được tàu Thái Long là phương tiện như thế nào.

Theo ghi nhận phóng viên, không chỉ có con tàu trên mà còn nhiều phương tiện thủy khác cũng vô tư chở hàng hóa không phép từ đất liền ra tuyến đảo trong một thời gian dài với tần suất dày đặc, đều đặn. Điều này đặt ra trách nhiệm của các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, giám sát trên biển để tránh tình trạng hoạt động vận tải "chui" của các chuyến tàu trên biển.

Vận tải đường biển không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Để đảm bảo sức khỏe cũng như tài sản của nhân dân, tính nghiêm minh của pháp luật, đề nghị các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, làm rõ dấu hiệu sai phạm mà phóng viên đã ghi nhận và phản ánh.

Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm