Sau mưa lũ, sạt lở "ngoạm" sát chân cầu
Cầu Đại Lộc bắc qua sông Thạch Hãn nối giữa TP Đông Hà và các xã nằm ở phía đông huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được khởi công xây dựng vào tháng 9/2010 với tổng số vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng. Công trình do Cty Cổ phần Tư vấn thiết kế đường bộ (thuộc tổng Cty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải) và Cty Cổ phần Xây dựng công trình 525 (thuộc Tổng Cty Công trình giao thông 5) đảm nhiệm thi công.
Cầu được xây dựng vĩnh cửu, có chiều dài 266.2m, rộng 9m, gồm 6 nhịp dầm, với kết cấu móng hố trụ bằng cọc khoan nhồi bê tông cốt thép, với 40 cọc. Đường hai đầu cầu có tổng chiều dài gần 320m, thiết kế đường cấp IV.
Tuy mới đưa vào sử dụng vào năm 2013 nhưng nay cầu Đại Lộc đang đứng trước nguy cơ mất an toàn vì bờ sông Thạch Hãn, đoạn qua khu phố Đại Áng (phường Đông Lương, TP Đông Hà) bị sạt lở sâu và ngày càng tiến sát vào chân cầu. Đặc biệt là sau đợt mưa lũ vừa rồi thì tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi hàng chục mét đất sản xuất và đất ở dọc sông bị “hà bá” nuốt chửng. Hiện sạt lở để tiến sát chân cầu và chỉ cách chân cầu khoảng 3 – 4m.
Bà Đoàn Thị Thanh (SN 1944, trú tại khu phố Đại Áng, phường Đông Lương, TP Đông Hà) cho biết mới vào năm ngoái ở thời điểm này mép sông vẫn còn cách chân cầu đến 10m, giờ thì hơn phân nửa số đất này đã rơi tuột xuống lòng sông và càng lúc càng rút ngắn khoảng cách.
Ghi nhận của phóng viện, hiện tại dưới chân cầu Đại Lộc, bờ sông bị nước cuốn và lấn sát vào bên trong. Nhiều điểm sạt lở khoét sâu tạo thành những hang vực thẳm, chỉ còn trơ sỏi đá. Không chỉ xuất hiện ở khu vực quanh chân cầu, tình trạng sạt lở còn trải dài dọc bờ sông ở các khu phố của phường Đông Lương, từ Lai Phước đến Đại Áng với chiều dài gần 2km, gây ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 50 hộ dân sống ven sông. Ngoài ra, sạt lở còn ảnh hưởng đến nhiều chân đê, xói lở các đoạn đường bê tông, thu hẹp đất sản xuất... ở gần khu vực sông.
Theo người dân nơi đây, tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn đã xảy ra từ nhiều năm nay. Vấn nạn này ngày càng nghiêm trọng một phần là do thiên tai, còn nguyên nhân chủ yếu là do việc khai thác cát bừa bãi. Mặc dù chính quyền địa phương đã nghiêm cấm việc khai thác cát ở khu vực này. Tuy nhiên, tình trạng hút cát vẫn diễn ra lén lút vào ban đêm. Vì thế, mỗi năm đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, bờ sông bị ăn sâu từ 2 - 3m, khiến diện tích đất vườn của bà con ngày một thu nhỏ và đe dọa cuộc sống của mọi người. Cũng chính bởi điều này mà vài năm trước nhiều hộ dân buộc phải di dời đi nơi khác sinh sống.
“Giờ việc chuyển nhà đi nơi khác đâu phải chuyện dễ vì đời sống của bà con vùng này vốn khó khăn. Mà ở lại đây thì mọi người cứ nơm nớp, lo sợ tình hình xấu xảy ra” - ông Nguyễn Thanh Quang (SN 1940), một người sống dọc bờ sông chia sẻ.
Chậm khắc phục sạt lở vì… chờ kinh phí
Để khắc phục vấn nạn này, địa phương cũng đã triển khai phương án dựng kè dọc bờ sông Thạch Hãn. Theo Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng TP Đông Hà, vào năm 2011 UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè chống xói lở khẩn cấp bờ sông này đoạn từ sông Hiếu đến cầu Lai Phước, TP Đông Hà dài trên 8.2km.
Dự án có số vốn đầu tư trên 122 tỷ đồng do UBND TP Đông Hà làm chủ đầu tư nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ cơ sở hạ tầng, tài sản và tính mạng nhân dân. Tuy nhiên, sau khi phê duyệt, năm 2012 dự án bị cắt giảm và hiện nay chỉ mới xây dựng được gần 2km bờ kè với kinh phí chưa đến 30 tỷ đồng. Còn đoạn sạt lở nghiêm trọng gần chân cầu Đại Lộc vẫn chưa có kinh phí khắc phục.
“Nơi sạt lở nghiêm trọng nhất là ở khu vực chân cầu Đại Lộc nên nguy cơ mất an toàn cho chiếc cầu hàng chục tỷ này là điều dễ thấy. Hiện việc làm kè chống xói lở là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, địa phương không có kinh phí, đã nhiều lần kiến nghị nhưng Trung ương chỉ phân bố số tiền nhỏ giọt. Vì thế chúng tôi chỉ biết cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân” - ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND TP Đông Hà trình bày.