Mục đích tốt nhưng cách làm chưa đúng
Trung Giang là một trong 5 xã vùng biển của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nơi đời sống kinh tế phát triển chậm, nhiều khó khăn và đã từng bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển khá nặng nề. Vì vậy, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sinh kế qua làm dịch vụ du lịch. Nhưng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên lực bất tòng tâm, để rồi cái khó vẫn cứ bó cái khôn.
Trong lúc đang loay hoay tìm lối ra, vào tháng 7/2018, anh Nguyễn Đức Trí (Chủ doanh nghiệp nhỏ) đề nghị xin thuê mặt bằng để mở dịch vụ du lịch. Cơ hội đến và tiềm năng sẵn có, được sự thống nhất của toàn dân thôn Hà Lợi Trung nên ông Trần Xuân Tưởng (Chủ tịch UBND xã Trung Giang) đã đồng ý và thỏa thuận cho anh Trí thuê một ha mặt bằng đất ven biển với thời hạn là 5 năm. Anh Trí phải nộp ngân sách 1.000 đồng/1m2/tháng.
Đây là mô hình được đầu tư bài bản; chủ đầu tư cam kết sẽ tạo điều kiện cho hơn 20 lao động địa phương có việc làm ổn định với mức lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, khi mô hình phát triển kinh tế du lịch vùng biển bãi ngang này chuẩn bị đưa vào hoạt động thì đã bị đình chỉ vì lý do xã cho “thuê mặt bằng không đúng thẩm quyền”.
Trong kết luận thanh tra ban hành ngày 12/7/2019 do ông Trần Văn Quảng (Chủ tịch UBND huyện Gio Linh) ký có nêu: Đầu tháng 7/2018, anh Trí trực tiếp trao đổi với Trưởng thôn Hạ Lợi Trung xin phép đầu tư xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại rừng phòng hộ ven biển của thôn; các cuộc họp được đa số người dân đồng tình. Ngày 15/9/2018, Ban Cán sự thôn cùng anh Trí kiểm kê số lượng cây. Đoàn xác nhận các công trình có ý định xây dựng đều được bố trí ở các bãi đất trống, không làm ảnh hưởng đến cây.
Trong kết luận này còn nêu ông Trần Xuân Tưởng (Chủ tịch UBND xã Trung Giang) có trao đổi bằng miệng việc anh Trí xin thuê mặt bằng với ông Nguyễn Đức Phới (Bí thư, Chủ tịch HĐND xã), ông Nguyễn Hữu Nam (Phó Chủ tịch HĐND xã) và ông Đặng Văn Bảo (công chức địa chính xã). Các vị này yêu cầu UBND xã nếu tận dụng được đất trống và nhân dân thôn Hà Lợi Trung đồng tình thì hướng dẫn, khảo sát vị trí để hoàn thiện thủ tục cho đầu tư. Sau khi ký xác nhận cho thuê mặt bằng, ông Trần Xuân Tưởng đã thông báo về ý định đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ của anh Trí trong cuộc họp giao ban của cơ quan, tập thể UBND đều nắm bắt được thông tin và đồng tình ủng hộ.
Kết luận tiếp tục nêu: “Quá trình kiểm tra, xác minh xét thấy bản thân ông Tưởng quan tâm tạo điều kiện cho nhân dân địa phương phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cách giải quyết còn mang tính chủ quan, không tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến sai phạm về giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền”.
Vị Chủ tịch UBND xã này giãi bày: “Từ các nghị quyết, các chủ trương đều thống nhất tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Ngoài ra, do gần địa điểm mà anh Trí làm dự án người dân cũng đã được thuê từ nhiều năm trước. Vì thế, tôi hoàn toàn không biết việc mình cho anh Trí thuê mặt bằng là không đúng thẩm quyền. Vả lại, tôi không hề tư lợi cá nhân gì cả; ngoài ra người dân thôn Hà Lợi Trung đều đồng tình và tôi cũng đã xin ý kiến của Bí thư Đảng ủy, HĐND rồi. Tôi thấy việc làm của mình là minh bạch, rõ ràng. Thế nhưng, sau đó Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy lại kỷ luật tôi “Cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã”. Kỷ luật tôi như thế là quá nặng; vì vậy, tôi vừa gửi đơn đến lãnh đạo tỉnh xem xét lại “hình phạt” dành cho tôi”.
Người dân mong muốn dự án tiếp tục
Trao đổi với PLVN, ông Lê Văn Quang (Chánh Thanh tra huyện Gio Linh) cho biết, theo Luật Lâm nghiệp 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 thì việc anh Trí thuê mặt bằng và nếu được chủ rừng đồng ý là được. Thế nhưng, anh này đã thuê từ tháng 7/2018 (Luật chưa có hiệu lực - PV) như vậy là sai.
“Anh Trí đã xây dựng cơ ngơi tốt, mô hình đẹp, chẳng ảnh hưởng gì cây cối, rừng phòng hộ. Vì thế, huyện cũng đã có công văn xin ý kiến tỉnh nhưng tỉnh không cho và đề nghị huyện thu hồi diện tích đất đã được UBND xã Trung Giang cho anh Nguyễn Đức Trí thuê trái thẩm quyền: vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.
Hiện tại, tổng diện tích khuôn viên khu dịch vụ 5.700m2, bao gồm 4 lán nghỉ mát, một nhà cấp 4 và 5 phòng nghỉ dưỡng. Tổng số tiền anh Trí đầu tư đã lên tới 3 tỷ đồng. Trước sự việc trên, anh Trí tâm sự: “Tôi ấp ủ, muốn tạo thành 1 khu du lịch nhưng giờ công trình đã xuống cấp, đau lòng lắm. Tôi quá thiệt thòi chỉ vì không hiểu hết luật, lại tin tưởng xã cho thuê là hợp pháp rồi; mà dự án này hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới rừng phòng hộ cả, chỉ làm dưới tán cây mà thôi. Vì vậy, mong rằng các cấp ban ngành tạo điều kiện giúp tôi bổ sung đầy đủ thủ tục để dự án tiếp tục và sớm đưa vào hoạt động”.
Còn với người dân ở xóm 5, thôn Hà Lợi Trung họ đều ủng hộ việc anh Trí tiếp tục triển khai dự án. Ông Trần Tấn Phát (Trưởng thôn) chia sẻ, lúc anh Trí lập hồ sơ xin làm, dân chúng tôi đồng ý hết. Không những không làm mất cây chắn gió, chắn cát mà anh còn xây thêm bờ kè kiên cố chắn sóng, trồng thêm dừa để tạo cảnh đẹp.
Ông Trần Biểu (Xóm trưởng xóm 5) tiếp lời: “Từ trước tới nay, đây là khu đất bỏ hoang nên việc anh Trí làm theo tôi là sáng tạo; tận dụng tài nguyên, nét đẹp của biển. Anh làm dự án này, có làm mất cây dương nào đâu, môi trường cũng đảm bảo. Khu du lịch này dù chưa được đưa vào hoạt động nhưng khách cũng đã qua lại, dân chúng tôi cũng đã được hưởng lợi; ví như bán được ruốc, cá… Nói chung, dân chúng tôi hoàn toàn ủng hộ anh Trí. Mong rằng, chính quyền nghiên cứu, tạo điều kiện để khu du lịch có ý nghĩa nhiều mặt này tiếp tục hoạt động”.