Tại nhiều tòa chung cư TĐC mà chúng tôi đến thăm, người dân nơi đây hầu như hoàn toàn mơ hồ về số tiền mà họ đã bỏ ra đóng cho quỹ bảo trì đã được quản lý và sử dụng như thế nào, khi mà nhiều năm qua họ phải vật lộn sinh sống trong một không gian sống cực kỳ tồi tệ.
Vật lộn sống với những điều kiện tồi tệ
Khu TĐC Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã được đưa vào sử dụng khoảng chục năm nay để phục vụ việc ổn định đời sống người dân bị thu hồi đất ở nhiều dự án công ích trên địa bàn Thủ đô. Khu TĐC này gồm 10 tòa nhà, hiện đã đón được hàng ngàn hộ dân về định cư.
“Nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ” như lời vận động lúc chính quyền thu hồi đất không thấy đâu, mà chỉ thấy khu TĐC dù đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng tình trạng nền một số tòa nhà sụt lún thành hố gây nứt tường, hư hỏng phần ngầm, hệ thống nước thải ứ tràn ra xung quanh... Quan sát của PV cho thấy, tại dãy nhà N3, N6, nền tòa nhà nhiều điểm bị nứt toác, nước thải đen ngòm từ hầm ngầm tràn ra, ứ đọng thành vũng, rêu mọc xanh lè, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc…
Ông Nguyễn Đức Quế, cư dân tòa N3, cho biết: Chất lượng tòa nhà rất kém, nhất là khu vực vệ sinh, hầu như ai cũng phải bỏ tiền túi để sửa lại mới có thể sử dụng được. Tình trạng sụt lún nền nhà làm nước thải ứ tràn ra đường đã xảy ra nhiều năm nay nhưng không được khắc phục khiến cư dân bất an về tính mạng sức khỏe.
Theo ông Quế, trước khi nhận bàn giao nhà, gia đình ông bị khấu trừ một khoản tiền bồi thường cho nhà nước để đóng quỹ bảo trì 2%. Nhưng để vận hành, khắc phục các hư hỏng của tòa nhà, nhiều năm qua ông và những hộ dân ở đây đa phần đều phải tự bỏ tiền túi ra sửa chữa để sử dụng. “Tôi không biết quỹ bảo trì 2% mà chúng tôi đóng, hiện ai quản lý và được sử dụng như thế nào trong 6 năm qua. Trong khi hàng ngày chúng tôi phải vật lộn trong một tình cảnh sống tồi tệ”, ông Quế ngán ngẩm.
Không chỉ khu TĐC Đồng Tàu, các chung cư TĐC khác trên địa bàn các quận Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàng Mai cũng được ghi nhận trong tình trạng tương tự khi người dân không hay biết quỹ bảo trì đóng góp đã được quản lý sử dụng như thế nào nhưng chất lượng chung cư ngày càng xuống cấp, tiện ích yếu kém, dịch vụ không bảo đảm. Thậm chí, không gian chung ở các tầng, kể cả lối thoát hiểm cũng bị chiếm dụng. Hàng quán bủa vây tòa nhà, diện tích hạ tầng xung quanh bị lấn chiếm một cách vô tội vạ.
Một thống kê gần đây cho thấy, hiện Hà Nội đang có 173 tòa nhà chung cư TĐC đã được đưa vào sử dụng với tổng số gần 17 ngàn căn. Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang được giao quản lý và vận hành 166 tòa nhà TĐC, số còn lại do các địa phương tự quản lý.
Còn 150 tòa nhà TĐC chưa được giao quỹ bảo trì?
Kể từ khi Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực, chủ sở hữu nhà ở chung cư TĐC xây dựng sau thời điểm này đều phải đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư. Nếu quỹ bảo trì của các tòa chung cư thương mại được chủ đầu tư dự án quản lý khi Ban quản trị (BQT) tòa nhà chưa được thành lập thì tại các tòa chung cư TĐC, số tiền quỹ bảo trì mà người dân đóng được giao cho các công ty nhà nước đảm nhận việc vận hành tòa nhà quản lý.
Không khác với các nhà chung cư thương mại, cư dân ở các khu chung cư TĐC cũng có quyền bầu BQT để nhận bàn giao quỹ bảo trì từ đơn vị vận hành, để tự quản lý và sử dụng quỹ bảo trì nhằm mục đích vận hành tòa nhà một cách tốt nhất với chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, trong 173 tòa nhà chung cư TĐC hiện nay trên địa bàn Hà Nội, chỉ mới thành lập được 21 BQT. Đáng chú ý, trong 21 tòa nhà đã có BQT, việc bàn giao tài khoản kinh phí bảo trì cũng chỉ mới thực hiện cho 13 BQT, với số tiền 16,7 tỷ. Như vậy, hiện vẫn còn khoảng 150 tòa chung cư TĐC trên địa bàn Hà Nội chưa thành lập được BQT, và quỹ bảo trì với số tiền không nhỏ của hàng ngàn hộ dân vẫn chưa được trả lại cho chính chủ để sử dụng.
Thế nhưng, trong một giải trình với cử tri gần đây, UBND TP Hà Nội cho rằng “các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư chưa nhận thức được rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc phải tham gia tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập BQT. Đặc biệt nhiều cư dân nhà chung cư TĐC còn cho rằng việc thành lập BQT là để dồn trách nhiệm quản lý vận hành, bảo trì nhà chung cư cho người dân, sợ phải đóng góp nhiều kinh phí”.
Mời bạn đọc đón đọc tiếp kỳ sau.