Quy định bỏ sổ hộ khẩu, khi nào mới thành hiện thực?

(PLO) - Tôi nghe nói nhà nước đã có quy định về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân. Tuy nhiên trên thực tế người dân vẫn đang bị quản lý, theo dõi rất chặt chẽ về hộ khẩu, tạm trú… Tôi xin hỏi quy định trên khi nào thì có hiệu lực? Việc người dân vẫn bị công an khu vực quản lý, theo dõi về nhân khẩu như vậy liệu có đúng không? (Ông Hà Văn Anh, 48 tuổi ở Hà Nội) 
Quy định bỏ sổ hộ khẩu, khi nào mới thành hiện thực?

Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, trong đó có việc bỏ thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. 

Mặc dù Nghị định 112 đã có hiệu lực nhưng lại chưa thể triển khai thi hành ngay việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân do còn phụ thuộc vào tiến độ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Dự kiến, sau khi dự án được hoàn thành, Bộ Công an sẽ đề xuất lộ trình triển khai thực hiện việc cắt bỏ thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân. Điều này giải thích tại sao hiện tại chúng ta vẫn đang phải quản lý, theo dõi nhân khẩu bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… Việc cơ quan có thẩm quyền vẫn quản lý, theo dõi biến động nhân khẩu, tạm trú là đúng pháp luật. 

Luật sư lưu ý công dân cần hiểu rõ: Quản lý hộ khẩu, trong đó có tạm trú, thường trú và giấy chứng minh nhân dân là giấy tờ tùy thân chứng minh nhân thân của mỗi con người, không thể bỏ được. Các nước trên thế giới cũng không bỏ được hộ khẩu.

Bởi vậy, sau này khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện, chúng ta tuy bỏ quyển sổ hộ khẩu nhưng việc quản lý hộ khẩu vẫn tiếp tục duy trì. Khi đó, việc quản lý hộ khẩu sẽ được chuyển từ phương pháp thủ công (bỏ quyển sổ hộ khẩu giấy) để chuyển sang quản lý bằng điện tử (dữ liệu hộ khẩu điện tử).  

Đọc thêm