Trải qua hơn mười năm thi hành, Nghị định đã góp phần xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện quyền dân sự của người dân trong xác lập, thực hiện các quan hệ về vay tài sản nói chung và về họ nói riêng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức họ ngày càng đa dạng, phức tạp, thậm chí có sự biến tướng và theo Bộ Tư pháp bản thân các quy định của Nghị định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trên thực tế đã xảy ra một số các vụ việc vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức. Một trong những nguyên nhân là quy định của Nghị định số 144/2006/NĐ-CP còn có những hạn chế, bất cập nhất định như: quy định về người tham gia họ; hình thức thỏa thuận họ; sổ họ; cơ chế kiểm soát họ; lãi suất họ… Dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong công tác thi hành pháp luật, ví dụ: vấn đề xác minh họ tên, lai lịch của những người tham gia họ trong các dây họ lớn; xác định chứng cứ; xác minh đường lối giải quyết hành vi là khởi tố hình sự hay giải quyết tranh chấp dân sự…
Mặt khác, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 với nhiều quy định mới liên quan đến địa vị pháp lý của chủ thể; về việc xác lập, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự; về các giao dịch dân sự; về đại diện; về nghĩa vụ và hợp đồng; về lãi suất trong hợp đồng vay… trong đó chế định hợp đồng vay tài sản đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản. BLDS năm 2015 cũng quy định rõ việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi phải tuân theo quy định của BLDS.
Bởi vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2006/NĐ-CP là cần thiết. Trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn xã hội cũng như yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và đảm bảo thực thi BLDS năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về họ, hụi, biêu, phường.
Dự thảo Nghị định được Bộ Tư pháp xây dựng đã bổ sung các quy định về cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau giữa những người tham gia họ, góp phần định hướng hành vi của người tham gia họ; sửa đổi bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên để tăng cường ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ quyền dân sự. Nghiên cứu, bổ sung các quy định về điều kiện chặt chẽ hơn đối với chủ họ, nhất là chủ họ có lãi. Đồng thời bổ sung một số quy định về nội dung của sổ họ và quy định thêm về giấy biên nhận, nhằm đảm bảo thiết lập cơ sở chứng cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Về hình thức thỏa thuận về họ, Dự thảo Nghị định giữ nguyên quy định tại Điều 7 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP về hình thức của thỏa thuận họ có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản để đảm bảo phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 về hình thức của hợp đồng vay tài sản. Bên cạnh đó, bổ sung một số nội dung mà thỏa thuận họ có thể có như về việc gia nhập họ của thành viên mới, cam kết về trách nhiệm của chủ họ…
Riêng về lãi suất, bổ sung các quy định để tính toán lãi suất trong các trường hợp cụ thể trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc phải tuân thủ quy định tại Điều 466, Điều 468 BLDS năm 2015 về vấn đề lãi suất gồm lãi suất trong trường hợp họ có lãi và xác định được mức lãi, họ có lãi nhưng không thỏa thuận rõ lãi suất, lãi suất trong trường hợp chậm trả… Cần có quy định rõ ràng về mức lãi suất và cách tính lãi suất, không quy định theo cách dẫn chiếu chung chung đến BLDS như quy định tại Điều 10 Nghị định số 144/2006/NĐ-CP.
Với các quy định cụ thể, chặt chẽ, sẽ tạo khung pháp lý chặt chẽ, phát huy tính tích cực của họ trong việc thể hiện tính nhân văn, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp; đồng thời ngăn ngừa tiêu cực, lợi dụng đã nảy sinh trong thời gian qua.