Trả lời: Xin được chia sẻ với những băn khoăn, lo ngại của bà. Nhưng mong bà hãy yên tâm, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 tại các điều 95, 96, 97, 98 có quy định chi tiết, cụ thể và chặt chẽ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cụ thể: Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Quyền, nghĩa vụ của bên nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng như việc giải quyết nếu có tranh chấp.
Thực tiễn cũng đã ghi nhận, thực tế số các cặp vợ chồng hiếm muộn có nhu cầu nhờ mang thai hộ để có đứa con ruột thịt của mình là rất nhiều, tuy nhiên lại không có nhiều trường hợp đáp ứng, thỏa mãn đầy đủ được các điều kiện, thủ tục pháp luật quy định để có thể thực hiện việc mang thai hộ.
Chính vì các quy định rất chặt chẽ về mang thai hộ như trên, việc lách luật, đẻ thuê là khó. Vì với những người có hồ sơ hợp lệ, giữa hai bên còn cần kí hợp đồng dân sự được tư vấn bởi luật sư, hợp đồng và bản thỏa thuận giữa hai bên bắt buộc có công chứng.
Cả hai bên cũng sẽ cùng gặp gỡ để được tư vấn cả về khoa học, pháp lý. Hơn nữa người mang thai hộ ngoài những quy định cụ thể thì còn phải có xác nhận là họ hàng, người thân, là dòng máu trực hệ trong phạm vi 3 đời của cặp vợ chồng hiếm muộn và chỉ được mang thai hộ duy nhất một lần.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ phải thỏa thuận các nội dung pháp luật quy định, việc thỏa thuận lập thành hợp đồng ghi rõ về quyền lợi và nghĩa vụ chi tiết, trong đó bao gồm cả việc trả con ngay sau sinh, quy định khám thai trong suốt thời gian thai kỳ (phát hiện những dị tật nguy hiểm sẽ buộc phải bỏ thai; trong quá trình mang thai khám định kỳ nhưng với những dị tật kín, không thể phát hiện khi sinh con ra, bên nhờ mang thai vẫn phải nhận con...; Thậm chí cả các vấn đề như người mang thai hộ khi sinh con bị chết, hoặc đứa con chết, hoặc cả mẹ cả con không qua khỏi thì cũng cần thảo luận giữa hai bên xem giải quyết những tình huống này như thế nào).
Nội dung cam kết này là sự thỏa thuận giữa hai bên để tránh những phiền lụy sau khi sinh con (ví như sau đẻ con, người mang thai hộ lại không trả con...). Luật sư khi tư vấn phải giúp cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ làm hợp đồng, thoải thuận và phải chịu trách nhiệm trước giám đốc bệnh viện về mặt tư vấn.
Vậy nên những người nhờ mang thai hộ có thể yên tâm rằng với cơ chế pháp lý như vậy, với quy định pháp lý chặt chẽ như vậy sẽ tạo ra một hành lang pháp lý an toàn, tránh tình trạng thuê đẻ, mang thai hộ vì mục đích thương mại.