Để đảm bảo tính công bằng trong chính sách xử lý hình sự, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với mọi loại pháp nhân có hành vi phạm tội, dù đó là tổ chức có tư cách pháp nhân hay không có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp tư nhân) là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, trách nhiệm hình sự của pháp nhân là vấn đề mới, trước mắt cần quy định phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và tổ chức Nhà nước ta.
Theo đó, không coi các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các tổ chức quần chúng, các hội nghề nghiệp là chủ thể của tội phạm. Đây là các tổ chức, pháp nhân đều sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động của mình. Trong khi đó, hình phạt chính đối với pháp nhân là phạt tiền, giải thể, đình chỉ hoạt động…; các hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, cấm hoặc hạn chế hoạt động lại không thể áp dụng đối với các chủ thể này. Mặt khác, các tổ chức này chủ yếu hoạt động trong phạm vi tổ chức của đoàn thể, ít tham gia hoạt động kinh tế nên ít có khả năng thực hiện các dạng hành vi phạm tội trong lĩnh vực quản lý kinh tế, môi trường.
Cùng với đó, chỉ coi chủ thể của tội phạm là các pháp nhân thương mại. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, để trở thành pháp nhân phải có 4 điều kiện: được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập đối với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó và nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1, Điều 183, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không được coi là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; người đứng đầu doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp tư nhân không phải là pháp nhân.
Việc Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phản ánh sự thận trọng của các nhà lập pháp Việt Nam khi lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân; phản ánh thực trạng vi phạm của pháp nhân trong giai đoạn này, chủ yếu là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, điều đầu tiên người thực hiện hành vi phạm tội phải nhân danh pháp nhân. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân có thể là người lãnh đạo, người điều hành pháp nhân, người được pháp nhân ủy quyền.
Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại là việc người đại diện thực hiện hành vi nhằm mang lại lợi ích chung cho pháp nhân, kể cả trong trường hợp lợi ích của pháp nhân không phải là duy nhất.
Ngoài ra, một căn cứ quan trọng để xác định một pháp nhân có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không đó là hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại. Căn cứ này phản ánh dấu hiệu “lỗi” của pháp nhân thông qua việc đánh giá ý thức chủ quan của người đứng đầu, Ban lãnh đạo pháp nhân. Như vậy, pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi người đứng đầu pháp nhân hoặc Ban lãnh đạo pháp nhân thực hiện rõ hành vi mà người đại diện thực hiện là trái pháp luật mà vẫn chỉ đạo, trực tiếp điều hành hoặc chấp thuận cho người đại diện thực hiện hành vi đó.
Ở nước ta, hình phạt mang tính kinh tế được coi là phù hợp và hiệu quả nhất và cũng phù hợp với phạm vi tội phạm được xác định là có thể truy cứu đối với pháp nhân. Các hình phạt chính bao gồm: phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Bên cạnh các hình phạt chính, pháp nhân phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung bao gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; cấm phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính và các biện pháp tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt chính./.