Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau gắn với sinh thái rừng ngập mặn

(PLVN) - Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030 nhằm phát triển khu vực lập quy hoạch trở thành Khu du lịch quốc gia, điểm đến hấp dẫn của tỉnh Cà Mau và vùng Tây Nam Bộ. Các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với du lịch sinh thái rừng ngập mặn, văn hóa vùng miền Tây sông nước, du lịch biển đảo...

Bộ Xây dựng mới tổ chức Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Dự thảo, nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi trên địa bàn huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. Trong đó phần lớn diện tích nằm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, với quy mô là 20.100ha, được lập cho giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2050.

Quan điểm lập quy hoạch này phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030; Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cùng với các quy định pháp luật liên quan khác.

Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau gắn với sinh thái rừng ngập mặn.

Quy hoạch nhằm phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, hình thành các sản phẩm, dịch vụ phù hợp gắn với yếu tố "xanh, bền vững” cùng các giá trị mang đặc trưng về văn hóa, sinh thái của khu vực… mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; đảm bảo an ninh - quốc phòng.

“Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau phải đảm bảo kết nối không gian, sản phẩm và dịch vụ với các điểm điểm đến của tỉnh Cà Mau, vùng ĐBSCL và Trung tâm TP HCM trên nguyên tắc tạo thành chuỗi sản phẩm, hạn chế cạnh tranh không cần thiết và trùng lặp về sản phẩm, dịch vụ… đồng thời, tạo lập hệ thống tuyến du lịch liên hoàn kết nối Khu du lịch Mũi Cà Mau với các điểm du lịch khác của ĐBSCL.

Các định hướng Quy hoạch đề ra mang tính khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển và rừng. Đặc biệt, đẩy mạnh quá trình phát triển đi lên của xã hội, tăng cường huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài đầu tư vào khu vực Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trong tương lai”, trích Dự thảo.

Cũng theo Dự thảo, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030 nhằm phát triển khu vực lập quy hoạch trở thành Khu du lịch quốc gia, điểm đến hấp dẫn của tỉnh Cà Mau và vùng Tây Nam Bộ. Các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với du lịch sinh thái rừng ngập mặn, văn hóa vùng miền Tây sông nước, du lịch biển đảo... Đồng thời, kết nối với các điểm du lịch, khu du lịch khác trong tỉnh và vùng ĐBSCL để phát triển khu vực lập quy hoạch trở thành Khu du lịch quốc gia, là điểm đến của vùng ĐBSCL và cả nước. Qua đó, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên đặc sắc, bảo tồn và phát huy các giá trị của khu vực gắn với phát triển kinh tế, khai thác du lịch bền vững.

Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: “Dự thảo Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc; phù hợp Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch du lịch ĐBSCL và Quy hoạch du lịch Quốc gia; tạo sự khác biệt đặc trưng và kết nối hài hòa trong khu vực”...

Dự án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau dự báo, đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau thu hút khoảng 2,8 triệu lượt khách du lịch (chiếm gần 60% tổng số lượt khách toàn tỉnh khoảng 4,7 triệu lượt khách) và đến năm 2050 đạt khoảng 5,5 triệu lượt khách. Tổng thu từ du lịch đạt 7.500 tỷ đồng năm 2030, đến 2050 đạt 15.000 tỷ đồng.

Đọc thêm