Ăn nói bừa bãi, gánh nghiệp cả đời
Lời nói đọi máu. “Đọi” là một từ thuộc loại “đặc sản” của ngôn ngữ xứ Nghệ. Đọi có nghĩa là cái bát. Câu thành ngữ trên có hàm ý là mỗi lời nói quý giá ngang với một bát máu. Một lời nói có thể cứu sống một con người cũng có thể giết chết một con người. Nhiều người vô tâm khi nói lên suy nghĩ của mình không cần biết đúng, biết sai, lời nói như những lưỡi dao găm vào lòng người khác, đến khi nói lời xin lỗi thì đã muộn.
Tục ngữ có câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở" hay “bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Nói nên chậm, tâm nên thiện. Mỗi người đều cần phải có trách nhiệm về lời mình nói ra, để mỗi lời nói ra, dù không rút lại được, cũng không mang tính ác ý.
“Lời nói đọi máu”, “lời nói gói vàng”, đúc rút trên của ông cha ta đã được truyền lại qua bao đời và đến hôm nay vẫn con nguyên giá trị. Việc cô giáo tiếng Anh tên T. thốt ra những câu trong cuộc cãi vã tay đôi với học viên như: đồ óc lợn, giáo viên giẻ rách nên dạy những người giẻ rách… khiến nhiều người ớn lạnh trước những ngôn từ này.
Con người phải cẩn trọng trong lời nói (Ảnh minh họa) |
Phật dạy trong 10 nghiệp lớn của con người, có 4 nghiệp từ miệng gây ra: chuyện không nói có, chuyện có nói không; nói lời ác ý; nói hai lời và nói lời thêu dệt.
Rất nhiều người trong cuộc sống hàng ngày vẫn đang cố tình hoặc vô thức mắc phải “khẩu nghiệp” mà không hay. Lời nói tưởng là gió bay nhưng lại có thể mang theo tác hại khôn lường. Đôi khi kẻ đầu tiên phải lĩnh lấy những thứ nghiệp ấy lại chính là bản thân người nói ra lời thị phi.
Chuyện kể rằng, một hôm, Đức Phật đi truyền đạo. Các tu sĩ đạo khác thấy đệ tử của mình theo Phật nhiều quá nên căm giận ra đón đường Phật đi qua để chửi rủa. Đức Phật vẫn đi thong thả, các tu sĩ theo sau không ngừng tung ra những lời nhục mạ. Thấy Đức Phật thản nhiên như không, họ lại càng tức giận hơn nữa, chặn đường ngài mà chất vấn:
– Ngài có bị điếc không?
– Ta không điếc
– Ngài không điếc vì sao không nghe thấy chúng tôi chửi?
– Này các ông, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự. Khi họ ra về, ông tặng quà mà họ nhất quyết không nhận thì quà đó về tay ai?
– Quà ấy về tay tôi chứ còn gì nữa!
– Đúng thế. Ông chửi ta cũng vậy. Ta không nhận thì nó về tay ai? Nay ông mắng nhiếc ta, nhưng ta không nhận, ông tự mang vào thân ông vậy. Cũng giống như âm vang là do nương theo tiếng mà có, như bóng do hình mà thành, cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Hãy thận trọng, chớ nói lời mắng nhiếc, ác ngữ!
“Lưỡi” không xương nhiều đường lắt léo
Đọc câu chuyện trong Quốc văn Giáo khoa thư sau đây sẽ thấy được sự lợi hại về cái miệng, lưỡi:
Một hôm ông phú hộ ra lệnh cho người làm giết heo và chọn phần quí nhất của con heo làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông một món ăn mà phần quí nhất là cái lưỡi heo. Ông phú hộ hỏi tại sao thì người làm trả lời rằng cái lưỡi là bộ phận quí nhất, vì nhờ cái lưỡi mà con người có thể diễn đạt những tình cảm chân thành, những ý tưởng cao siêu, ích nước lợi dân và có ích cho nhân loại.
Ít lâu sau, ông phú hộ lại ra lệnh cho người làm giết heo và chọn một bộ phận xấu xa nhất làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông phú hộ một dĩa đồ ăn mà bộ phận xấu xa nhất lại cũng là cái lưỡi heo.
Ông phú hộ hỏi tại sao, người làm bèn trả lời rằng vì cái lưỡi có thể nói lên những lời nói xấu xa nhất tàn ác nhất làm tan nát gia đình xã hội và có thể khuynh đảo nước nhà ngay cả làm hại cho nhân loại. Ông phú hộ vô cùng ngợi khen sự thông minh của người làm.
Thật là cái lưỡi không xương nhiều đường lắc léo. Người xưa cũng có nói “Nhứt ngôn khả dĩ hưng bang, nhứt ngôn khả dĩ tán bang”, nghĩa là một lời nói có thể xây dựng nước nhà, mà cũng có thể làm tan nát nước nhà.
Lược sơ qua những điều lợi hại, thì chúng ta đã thầy cái miệng, lưỡi của người thế gian điều hại sẽ nhiều hơn điều lợi rồi. Tạo hóa sinh ra con người có hai lổ tai, nhưng chỉ có một cái miệng, cho nên phải nghe nhiều hơn nói, mới đúng với tự nhiên, được thân người là khó, có đầy đủ lục căn và miệng lưỡi trọn vẹn là phước đức quá rồi, hãy nhân vốn phước báu nầy mà gieo trồng thêm phước đức ra nữa, thì mới là người khôn, bởi vậy phải lo: Tu cái miệng là điều cần thiết nhất.
Những điều nên tránh khi nói năng
Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Nói chuyện không nên nói quá nhiều, nói nhiều là bị thiệt.
Trong Mặc Tử có ghi, học sinh của Mặc Tử là Cầm, hỏi Mặc Tử: “Nói nhiều có ích lợi không?”. Mặc Tử trả lời: “Con cóc, con ếch, cả ngày lẫn đêm đều kêu không ngừng, kêu đến khô mồm mỏi lưỡi, nhưng không có ai để tâm đến tiếng kêu của nó cả. Sáng sớm nhìn thấy con gà trống đó, gáy đúng giờ vào lúc bình minh, trời đất đều chấn động (mọi người đều thức dậy sớm). Nói nhiều thì có ích lợi gì chứ? Chỉ có lời nói được nói ra trong tình huống hợp thời cơ mới có tác dụng thôi.”
Lời nói không thể nói dễ dàng, nếu thay đổi lời đã nói, chi bằng không nói. Lời không được hứa dễ dàng, nếu hứa rồi lại thay đổi, chi bằng đừng hứa. Gặp chuyện đừng tùy tiện phát ngôn, nếu không sẽ mang họa vào thân; cũng đừng dễ dàng hứa hẹn với người khác khi chưa cân nhắc và suy xét, nếu không sẽ mất chữ tín.
Nói lời ngông cuồng cũng thường là bước đầu tiên dẫn người ta đến việc làm điều ngông cuồng. Họ có thể nói ra được lời lẽ lộng ngôn thì cũng hoàn toàn đủ gan làm những chuyện tày trời, bất chấp. Người nói lời lộng ngôn ngông cuồng thường là kẻ tự phụ. Và chuyện “Thùng rỗng kêu to” là rất phổ biến. Kẻ không có thực tài thường chỉ mạnh miệng bề ngoài, chỉ là lấy khẩu khí để lấp đầy sự thiếu hụt của trí tuệ và tài năng.
Khi gặp chuyện không vừa ý hoặc cảm thấy bị đối xử bất công, người ta thường có xu hướng thất vọng, phàn nàn, thậm chí buông lời oán hận. Một khi đã oán thì họ hận tất cả, kể cả là trời đất, Thần Phật. Thực tế, những gian nan, khổ ải mà một người thường mắc phải không có gì là bất công. Phật gia giảng về nghiệp lực luân báo rằng mọi khổ nạn mà con người phải gánh chịu đều là nghiệp báo cho những hành vi, ý nghĩ bất hảo của họ trong đời này hoặc từ kiếp trước. Đã nợ nghiệp mà không muốn trả nghiệp, lẽ nào lại có lý như vậy?
Không nói những lời vô lễ và độc ác để làm tổn thương người khác. Người xưa nói, “Đao cắt dễ lành, ác ngôn khó tan”. Sự tổn thương bạn gây ra trong tâm gan người khác còn đau đớn hơn vạn lần vết thương gây ra trên thân thể.
Lời oán hận thường mang theo những năng lượng rất xấu bởi nó xuất phát từ tâm oán trách, đố kỵ, lòng sân hận của người ta. Oán hận sẽ che mờ lý trí của họ, sẽ khiến họ không còn phân biệt được thật giả, đúng sai, phải trái. Như thế, hậu quả gây ra thậm chí còn tai hại hơn. Từ nói lời oán hận, người ta còn có thể gây ra việc ác nghiệp, hại người hại mệnh.
Những lời nói thâm độc, thô bạo, mắng nhiếc, chửi rủa…được xem là ác khẩu, ác ngữ hay những lời lẽ thiếu văn minh, thiếu đạo đức trong giao tiếp cũng được cho là đã tạo khẩu nghiệp.
Trong xã hội hiện nay, một số bạn trẻ lướt web, facebook, twitter,… thường dùng những lời lẽ ác ngữ, thô tục, xúc phạm đến người khác. Có thể các bạn cho rằng những lời nói này không chỉ một người nào cụ thể, không trực tiếp một ai, thì sẽ không sợ nguy hại nhưng thực tế lại rất nguy hiểm.
Không chỉ viết những lời ác ngữ, mà thậm chí chỉ cần nhấp chuột tán thành, ủng hộ những lời ác ngữ đều nguy hiểm, vì nhiều lần làm như vậy chính không ai biết xấu hổ, không ai kiểm soát nên lâu ngày dài tháng sẽ trở thành một thói quen.
(còn nữa)