Quý tử từng đi tù vì trộm xe cha lại “ngựa quen đường cũ”

(PLO) - Năm 2008, bị cáo trộm xe máy của bố mình, không muốn thỏa hiệp với cái xấu, người cha trình báo cơ quan chức năng, bị cáo sau đó bị xử phạt hai năm tù về tội trộm cắp. Năm 2014, bị cáo lại đánh chính em trai của mình, gây thương tích, nên tiếp tục vào tù ngồi sáu tháng vì tội danh “cố ý gây thương tích”. 
Bị cáo nhiều lần trộm xe cha, đánh em thương tích, nay lại ra tòa vì trộm xe mẹ

Sau khi mãn hạn tù được một thời gian, bị cáo lại trộm xe máy của mẹ, tiếp tục điệp khúc ra tòa – vô tù. “Làm cha làm mẹ, chẳng ai muốn “đẩy” con vô tù. Xót xa, day dứt lắm. Nhưng vì con hư quá, đành phải cầu cứu đến pháp luật”, người mẹ tâm sự.

Cay đắng

Buổi chiều mưa lất phất. Bước chân người phụ nữ đến tòa có vẻ vội. Bà bồn chồn đi tới đi lui nơi hành lang tòa án. Bà chính là bị hại trong vụ án “trộm cắp tài sản” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) xét xử. Nếu không biết rõ nội tình, có lẽ ai nấy điều ngạc nhiên khi thấy bà cứ khắc khoải chong mắt chờ đợi bị cáo, khuôn mặt đầy lo lắng, sốt ruột.

Khi chiếc xe tù dừng bánh hẳn bên hông tòa, bước chân người mẹ khựng lại trong giây lát. Nhưng bà cố gắng nhanh chóng lấy lại vẻ cứng cỏi. Bị cáo nhìn mẹ bằng ánh mắt biết lỗi, ân hận, sau đó lại đưa mắt nhìn quanh. Chẳng còn ai nữa. Bị cáo lại đánh mắt về phía mẹ như dò hỏi. Bà lắc lắc đầu rồi thở dài.  

Người mẹ bảo, hôm nay ra tòa, bà đã nhắn con dâu dẫn cháu đến tòa để hai cha con được gặp nhau. Vậy mà khi bà đến đây, bóng dáng con dâu cùng cháu nội ở đâu chẳng thấy. Nhìn con trai khắc khoải tìm bóng vợ con, bà thực lòng chua xót. Chồng ra tòa, nhưng vợ con chẳng đến, đủ biết cuộc sống vợ chồng con trai bà lâm vào bế tắc ra sao.

Bị cáo Tống Phước Nhật Nam (36 tuổi, ngụ TP Huế) khai trước tòa, tối ngày 1/5/2017, bị cáo đến nhà bố mẹ của mình chơi. Khi đến nhà, bị cáo thấy có chiếc xe Honda Vision của mẹ đang dựng trước sân, còn mẹ thì đi vắng. Do cần tiền để trả nợ, nên bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe. Bị cáo vào nhà lấy chìa khóa đặt trên bàn, rồi lén lút mở khóa điện lấy xe chạy đi. Sau đó bị cáo mang xe đi cầm cố, được chín triệu đồng. Số tiền này được bị cáo chi xài cá nhân hết.

Nội dung vụ án khá đơn giản. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả một bi kịch của một gia đình khi có con trai hư hỏng. Bị cáo sinh ra trong gia đình tương đối khá giả. Nhưng vì ham chơi hơn ham học, nên học chưa hết lớp 11, bị cáo đã bỏ ngang. Tạm biệt những tháng ngày cắp sách đến trường, bị cáo bắt đầu sa chân vào con đường hư hỏng.

Năm bị cáo mới 17 tuổi, đã từng bị cơ quan điều tra công an TP Huế khởi tố về hành vi “đánh bạc”, nhưng sau đó được đình chỉ điều tra. Một năm sau, Nam tiếp tục bị công an xử phạt hành chính bằng hình thức “Cảnh cáo” về hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Năm 2004, khi bị cáo 22 tuổi, đã bị TAND TP Huế xử 15 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”. Ngay sau khi ra tù, bị cáo lại bị xử phạt hành chính về hành vi “Hủy hoại tài sản”. 

Chưa hết, năm 2008, bị cáo trộm xe máy của bố mình. Không muốn thỏa hiệp với cái xấu, người cha trình báo cơ quan chức năng, bị cáo sau đó bị xử phạt hai năm tù về tội trộm cắp. Năm 2014, bị cáo lại đánh chính em trai của mình, gây thương tích, nên tiếp tục vào tù ngồi sáu tháng vì tội danh “cố ý gây thương tích”. Sau khi mãn hạn tù được một thời gian, bị cáo lại trộm xe máy của mẹ, tiếp tục điệp khúc ra tòa – vô tù.

Tòa hỏi bị cáo có ý định lấy xe đi cầm từ khi nào? Bị cáo nói lúc lấy xe ra, chạy trên đường vẫn chưa có ý định đem cầm. Bị cáo biết mẹ vẫn dùng xe này để đi lại, chợ búa mỗi ngày. Nhưng vì bị cáo mắc nợ người ta, không có tiền trả, nên mới nhắm mắt làm liều. Nam nói, trước đó mình nợ nần người ta. Bố đã hứa sẽ cho tiền trả nợ. Nhưng sau đó lại không cho nữa. Bị xã hội đen gí đòi, bức bách quá, nên bị cáo mới trộm xe.

“Trước khi vụ án này xảy ra năm ngày, bị cáo đã cầm một chiếc xe khác của bố lấy 12 triệu phải không?”, tòa hỏi. Bị cáo lặng lẽ gật đầu, nhưng chống chế, chiếc xe đó tuy do bố bị cáo đứng tên sở hữu, nhưng là xe do bố mua cho bị cáo quản lý sử dụng. Người bố cho bị cáo trả góp tiền mua xe hàng tháng. Bị cáo đã góp được gần 10 triệu.  

Hy vọng

Tòa hỏi mẹ bị cáo, cũng là bị hại trong vụ án, có ý kiến gì? Người mẹ nhìn con trai, giọng rầu rĩ bi ai. Bà nói cũng biết con trai mắc nợ người ta. Nợ xã hội đen. Không trả được nên lãi mẹ đẻ lãi con. Có lần xã hội đen còn về tận nhà đập phá. “Tui có xin chồng cho tiền để con trai trả nợ. Chồng tui đồng ý. Nhưng sau đó lại không đồng ý nữa. Khi biết con trai lấy xe đi cầm, tui nói với chồng chắc là xã hội đen đòi dữ quá. Chồng tui nói để anh lên phường báo”. 

Người mẹ thút thít. Bà bảo làm cha mẹ, chẳng ai muốn đưa con vô tù. Một ngày trong tù, dài đăng đẵng bằng cả năm bên ngoài. Ai nỡ lòng. Nhưng con hư quá. Vợ chồng bà tìm đủ mọi cách khuyên răn con, la mắng cũng có, nhưng cũng hết cách. Chỉ có nước vào tù, ở trong đó suy ngẫm, may ra con mới thay đổi. Bà vừa nói vừa khóc.

Vị hội thẩm hỏi bị cáo: “Thời gian ở trong tù, bị cáo đã suy nghĩ những gì?” Bị cáo lí nhí bảo, nghĩ nhiều lắm. Cũng hối hận nữa. Bị cáo nói do mình ham chơi, nên mới hay lấy trộm tài sản của cha mẹ đem bán kiếm tiền. Giờ nghĩ lại, bị cáo rất hối hận. “Cha mẹ bảo bọc mình, mình lại liên tục phạm tội. Năm 2008 thì trộm cắp xe máy của cha.

Năm 2014 thì đánh cả em ruột gây thương tích. Giờ lại ăn trộm xe của mẹ. Bị cáo liên tục vi phạm, nên bố bị cáo chẳng còn tin tưởng bị cáo nữa”. Bị cáo: “Bị cáo đi tù nhiều lần rồi. Nhưng lần này bị cáo hối hận thật sự. Sau lần này, bị cáo hứa không tái phạm nữa, sẽ trở về làm ăn đàng hoàng, nhất định không làm bố mẹ thất vọng nữa”.

“Bị cáo đã làm cha, bị cáo phải hiểu rõ tâm trạng của người làm cha làm mẹ. Bởi vì lo lắng cho bị cáo mà cha bị cáo phải báo công an. Bị cáo phải cố gắng sửa chữa, thay đổi. Bị cáo cứ sống thế này sau này làm sao làm gương, dạy dỗ con cái”, vị hội thẩm nhắc nhở. 

Bị cáo cúi mặt “dạ”. Bị cáo bảo , mẹ bị cáo rất thương bị cáo. Những ngày bị cáo bị tạm giam, tuần nào mẹ bị cáo cũng bới xách thức ăn lên trại cho bị cáo. Nhìn những thức ăn mẹ tự tay chuẩn bị rồi gửi vào cho bị cáo, bị cáo mới thấy ân hận vô cùng. Bị cáo không phải nghiện ngập, chẳng qua vì ham chơi. Bị cáo 36 tuổi rồi, đã đi phân nửa cuộc đời nhưng chưa làm được gì cho cha mẹ, chỉ gây cho cha mẹ những buồn bực, lo lắng, đau lòng. 

Hôm nay bố bị cáo không đến tòa. Bị cáo biết bố cũng rất thương bị cáo. Nhưng bố vẫn còn giận bị cáo. Bị cáo cúi đầu, giọt nước mắt lặng lẽ rớt xuống. “Lần này về, bị cáo sẽ sửa đổi, không ham chơi nữa”, bị cáo hứa với giọng đầy quyết tâm.

Mẹ bị cáo ngồi bên dưới, nhìn con trai rồi nở nụ cười yếu ớt. Bà bảo chỉ mong con lần này “tỉnh” ra, rồi quay lại làm người cho tử tế, thì vợ chồng bà có chết cũng yên lòng. 

Mặc dù đã quyết định nhờ pháp luật “dạy” con, nhưng khi nghe tòa tuyên phạt bị cáo một năm tù, người mẹ vẫn sững người. Bà cứ đứng như vậy cho đến lúc chiếc xe cảnh sát chở đứa con trai mất hút sau màn mưa. Nếu như người con trai đó chẳng ham chơi, phá phách, cha mẹ, người thân khuyên can mà biết tu tỉnh lại, thì đâu đến nỗi có phiên xử như ngày hôm nay./.

Đọc thêm