Quyền con người không còn là một thứ “quà tặng”

(PLO) - Đánh giá cao những quy định tiến bộ vượt bậc của Hiến pháp về quyền con người, song các đại biểu dự Hội thảo “Định hướng thể chế hóa bằng pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người trong Hiến pháp 2013” đều cho rằng, quan trọng nhất là việc thực thi các quyền đó trong thực tế như thế nào.
Quyền con người không còn là một thứ “quà tặng”
Các đại biểu đều chung nhận định trong bản Hiến pháp sửa đổi lần này, quyền con người quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân  được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp (Chương II), thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. 
Dẫn chứng quy định “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”,  GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý, khi cụ thể hóa bằng luật (ví dụ như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự) cần phải đặt vấn đề bảo vệ quyền con người lên trên hết, nhất là những người bị yếu thế, người bị giam, giữ…. 
“Ở đây, việc cụ thể hóa bằng luật không có nghĩa là mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền đó đều cần được quy định trong luật, mà chỉ cần quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc” - ông Dung nói.
PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật đồng tình, quy định quyền công dân chỉ bị giới hạn theo quy định của luật là điều kiện tốt để đảm bảo tính hiện thực của nó. Theo ông Nghị, sợ nhất là những quy định “tù mù” khiến việc triển khai khó khăn. 
Thời gian tới, để các quy định về quyền con người trong Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống, một trong những vấn đề cần làm, theo ông Nghị, là sớm soạn thảo và ban hành các đạo luật về hội, về tự do ngôn luận, về biểu tình, về báo chí, về tiếp cận thông tin, về trưng cầu ý dân để tạo hành lang pháp lý cho con người, công dân thực hiện ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn các quyền của mình.
Một điểm nhấn khác trong Hiến pháp 2013 được các đại biểu đánh giá cao là trách nhiệm của Nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được đề cao và thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp. Điều này thể hiện ở hầu hết các điều của Hiến pháp đều quy định trách nhiệm và đảm bảo của Nhà nước với quyền con người. 
Từ nhận định “Quyền con người, quyền công dân theo quan niệm trước đây là một sản phẩm, một thứ “quà tặng” từ phía Nhà nước cho công dân thì nay, với Hiến pháp 2013 gắn với từng con người, được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm”, GS. TS Trần Ngọc Đường - chuyên gia cao cấp, Văn phòng Quốc hội đề nghị phải tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, các luật về tố tụng dân sự, hành chính và hình sự.
Đề xuất lập Hội đồng tư vấn
Dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời truyền thông về “một số quyền con người, quyền công dân cho đến hôm nay còn đang bị “treo” hoặc bị chậm cụ thể hóa, một phần do chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, và một phần do lỗi của các cơ quan chuẩn bị dự án luật trình lên chưa đảm bảo tính khả thi”, TS. Nguyễn Văn Hiển - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp  cho biết, theo dự kiến, có đến 28 đạo luật sắp tới cần được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để cụ thể hóa trực tiếp những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. 
Thực hiện kế hoạch này, trách nhiệm của Bộ Tư pháp rất nặng nề, do đó ông Hiển đề nghị: “Bộ cần có những giải pháp mạnh mẽ, thậm chí phải lập một hội đồng tư vấn để xem xét tất cả những luật này nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trên tinh thần, nội dung của Hiến pháp”.
Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: 
Nhiều quyền hiến định có thể vẫn sẽ hình thức nếu không được thể chế hóa trong các luật  cụ thể
Việc quy định các quyền con người trong Hiến pháp là rất quan trọng vì đây là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người và mỗi công dân được hưởng thụ và thực hiện cũng như bảo vệ quyền con người và quyền công dân của mình. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn là các quyền đó phải được thực thi trong thực tế. Trong cơ chế thi hành pháp luật hiện nay, nhiều quyền hiến định trong Hiến pháp sửa đổi có thể vẫn sẽ là quyền hình thức nếu không được thể chế hóa trong các luật  cụ thể.
Vấn đề này đặt ra trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước, từ việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung mới của Hiến pháp sửa đổi đến việc hoàn thiện hệ thống  pháp luật và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy để bảo đảm thực thi.

Đọc thêm