Ở Australia và rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, luật pháp cấm tiến hành trợ giúp để ai đó có mong muốn chết sẽ được chết, trừ trong những trường hợp đặc biệt là người ấy mắc bệnh không thể cứu chữa được nữa.
Ông cụ kia vì thế đã rời Australia sang Thụy Sỹ. Ở đất nước này, luật pháp cho phép tiến hành trợ giúp để giúp những người có nguyện vọng chết thực hiện nguyện vọng đó. Có tới 10 tổ chức ở Thụy Sỹ được phép làm việc này. Thủ tục rất đơn giản.
Sẽ có hai bác sỹ Thụy Sỹ xác nhận là người muốn được chết kia rất tỉnh táo và minh mẫn khi quyết định muốn được chết. Người muốn chết sẽ uống một cốc pha trộn một số độc dược trước sự chứng kiến của thầy thuốc, luật sư và thân nhân gia đình.
Ông Goodall không phải là người đầu tiên nhưng việc ông già này sang Thụy Sỹ để chết lại một lần nữa khuấy động cuộc tranh luận trên khắp thế giới về nên hay không nên trợ giúp để chết.
Giữa các quốc gia trên thế giới, luật lệ liên quan đến việc này rất khác nhau. Quan điểm cấm trợ giúp để chết xuất xứ từ quan điểm cho rằng luật pháp không thể tiếp tay cho những hành động đưa đến cái chết cho con người.
Luật trừng phạt nghiêm khắc mọi hành vi tước đoạt cuộc sống của con người. Bảo vệ và đảm bảo cuộc sống của con người là mục tiêu và bản chất nhân văn của luật. Theo đó thì cho dù nguyện vọng của ai đó muốn được chết bất kể vì lý do gì và được coi là chính đáng đến đâu cũng đều không thể được thực hiện bằng sự hỗ trợ của bên ngoài.
Bên ngoài có trách nhiệm hỗ trợ để duy trì và bảo vệ sự sống chứ không được phép đóng vai trò quyết định trong việc kết thúc sự sống. Những điều này được công nhận chung và tôn trọng chung bởi luật pháp thuần tuý thôi đã phải như thế mà vì tính nhân văn mà luật pháp càng phải như thế.
Chuyện này trở nên phức tạp và nhạy cảm trong trường hợp là con người chỉ muốn chết chứ không muốn tiếp tục sống nữa như ông Goodall, coi việc tiếp tục sống không còn là niềm vui mà là nỗi thống khổ. Tự tử là một giải pháp nhưng giải pháp này là tăng thêm tính bi kịch trong cuộc đời của con người chứ không đưa lại sự hài lòng thoả mãn cho người muốn được chết.
Cụ thể là muốn được chết một cách đàng hoàng, trong vòng tay của người thân và không để lại cho hậu thế điều tiếng gì. Bài toán này thật rất nan giải đối với cả luật lẫn lệ. Và cuộc tranh luận về câu hỏi luật lệ nào mới thật sự nhân văn chắc chắn sẽ còn dai dẳng mãi nữa.
Điều hiện có thể chắc chắn được là không vì cuộc tranh luận này mà luật pháp ở đại đa số các nước trên thế giới sẽ “cởi mở” như luật pháp ở Thụy Sỹ về vấn đề trợ giúp để chết bởi không thể lấy trường hợp cá biệt làm tiêu chí chính cho việc xác định và đảm bảo tính nhân văn của luật pháp. Luật kiên định như thế nên sẽ càng phổ biến cái lệ là lách luật này ở nơi có thể lách được.
Ông già Goodall lách luật ở Australia bằng cách đi sang Thụy Sỹ để được trợ giúp chết ở Thụy Sỹ. Người này mong muốn thực sự như thế nhưng vô hình trung lại đã quảng bá cho cái lệ kia. Luật và lệ song song tồn tại bởi vẫn có những cách hiểu khác nhau về bản chất tính nhân văn của pháp luật hiện hành. Luật lệ đúng hay sai, hiện đại hay lạc hậu, thức thời hay bảo thủ, cấp tiến hay bất cập xem ra đều tuỳ thuộc vào cách hiểu của mỗi người và lợi ích của từng bên./.