Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Tám (trú tại thôn Phú Điền, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) thì bà và ông Phạm Văn Phục kết hôn với nhau năm 1995. Tới nay, hai người đã có 4 người con chung (lớn nhất 21 tuổi và nhỏ nhất 7 tuổi). Khi mới cưới nhau, vợ chồng sinh sống trên thửa đất 39m2 do cha mẹ chồng để lại. Quá trình chung sống, vợ chồng bà mua thêm được 105m2 đất liền kề phía sau và đã được UBND huyện Hàm Thuận Bắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích tổng cộng là 144m2 vào năm 2011. Gần đây, do có mâu thuẫn kéo dài nên vợ chồng bà phải đưa nhau ra tòa xin ly hôn và chia tài sản chung. Bà Tám nhận trách nhiệm nuôi các con và đề nghị được nhận hiện vật là nhà và 144m2 đất là tài sản chung của vợ chồng để nuôi các con. Phần tiền chênh lệch, bà có trách nhiệm trả cho ông Phục đầy đủ.
Trong khi đó, phía ông Phục cũng có đề nghị được nhận hiện vật vì cho rằng trong 144m2 đất có phần đất do ông được thừa kế từ ông bà nội. Ngoài ra, bà Tám đã có một ki ốt gần nhà, tức là đã có nơi ăn ở, sinh hoạt ổn định.
Vụ án đã được TAND huyện Hàm Thuận Bắc xét xử sơ thẩm ngày 17/9/2015. Phán quyết này đã được TAND tỉnh Bình Thuận giữ nguyên tại phiên tòa phúc thẩm ngày 13/3/2016. Theo đó, Tòa cho rằng 39m2 đất và căn nhà cấp 4 là tài sản riêng của ông Phạm Văn Phục có trước khi kết hôn với bà Tám. Phần đất 105m2 liền kề là tài sản chung của vợ chồng, được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân.
Cho rằng bà Tám đã có một ki ốt tại chợ nên Tòa đã tuyên giao phần nhà đất là tài sản chung của vợ chồng cho ông Phục sử dụng. Ông Phục phải trả bà Tám 50% giá trị tài sản chung (hơn 49 triệu đồng) và có trách nhiệm trợ cấp nuôi 2 con chung đến 18 tuổi (2 triệu đồng/tháng).
Trước phán quyết trên, bà Tám cho rằng cuộc sống của mẹ con bà sẽ rất khó khăn khi không được Tòa chia tài sản chung bằng hiện vật. Thực tế, ki ốt bán tạp hóa là do bà thuê của Ban Quản lý chợ nên không thể sử dụng để ở được. Trong khi đó, bà phải nuôi 4 đứa con (con đầu đang học Đại học tại TP Hồ Chí Minh, con thứ 2 thì vừa tốt nghiệp PTHT và 2 con dưới 18 tuổi) nên rất cần có chỗ ở ổn định. Nếu không có nơi cư ngụ, việc học tập và sinh hoạt của các con sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Chính vì vậy, bà Tám đã có đơn đề nghị Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao xem xét lại vụ án “Tranh chấp ly hôn, nuôi con và chia tài sản chung” giữa bà với ông Phục theo trình tự giám đốc thẩm.
Theo một số Luật sư thì đề nghị của bà Tám là hoàn toàn chính đáng bởi Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã quy định rõ, việc chia tài sản chung phải “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên…”. Ngoài việc xem xét đề nghị chính đáng của bà Tám trên đây thì Tòa cũng cần cân nhắc lại việc xác định nhà, đất 39m2 là tài sản riêng của ông Phục vì năm 2011, phần đất này đã được UBND huyện Hàm Thuận Bắc cấp GCNQSDĐ cho “hộ ông Phạm Văn Phục” (tức là bao gồm cả bà Tám). Như vậy, Tòa cần phải xác minh làm rõ việc ông Phục có tự nguyện xin nhập 39m2 đất này vào tài sản chung của vợ chồng để xin cấp GCNQSDĐ cho “hộ gia đình” hay không? Công sức của bà Tám trong việc chung sức vào việc xây dựng nhà, tôn tạo diện tích đất 39m2 cũng cần được Tòa tính toán để đảm bảo quyền lợi cho người vợ.
Hy vọng quyền lợi của mẹ con bà Tám sẽ sớm được Chánh án TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh và Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết.