Khốn khổ “sống chung” 10 cọc sắt gỉ
Trong vụ kiện này, nguyên đơn là ông Đặng Thanh Tân (chủ hộ kinh doanh cơ khí Phú Vinh, TX Cai Lậy, Tiền Giang). Vụ kiện liên quan đến hợp đồng lắp đặt hệ thống “bá lan cẩu trục điện” ông Tâm đặt ông Tân làm tại kho hàng Công ty Hữu Tâm.
Giải thích nôm na, “bá lan cẩu trục điện” (còn gọi pa-lăng cáp điện, tời cáp điện, ròng rọc kéo cáp) là một hệ thống “dàn giáo” gồm các cọc sắt, nối với nhau bởi các thanh ngang, thanh dọc (các thanh dầm). Chạy trên các thanh ngang, thanh dọc sẽ là một cẩu trục nhỏ, được điều khiển từ xa. Việc nâng hạ, bốc dỡ hàng hóa, vật nặng tại các nhà kho xưởng, bãi tập kết vật liệu sẽ trở nên đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và công sức hơn rất nhiều so với sử dụng nhân công khuân vác.
Theo nguyên đơn, ngày 15/9/2018, sau khi hai bên ký hợp đồng lắp đặt hệ thống tời cáp điện giá 590 triệu, ông Tân đã đem vật tư, công cụ, dụng cụ thi công đầy đủ đến. Công trình thi công sắp hoàn thành. Ngày 26/10/2018, khi ông Tân gác dầm thì ông Tâm yêu cầu tạm dừng thi công. Đến nay ông Tâm không cho ông Tân tiếp tục thi công và từ chối thanh toán tiền.
Ông Tân kiện, đề nghị tòa đình chỉ thực hiện hợp đồng giữa hai bên với lý do ông Tâm “cố tình đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng”; đòi ông Tâm trả 590 triệu; đòi ông Tâm trả 22 triệu tiền máy móc, dụng cụ mà “ông Tâm đã chiếm giữ”.
Về phía bị đơn, kịch liệt phản bác những yêu cầu và tố cáo” của nguyên đơn. Ông Tâm cho biết nguyên nhân thực sự khiến ông Tân dừng thi công là do ông Tân là “kỹ sư giả cầy”, không thể thiết kế nổi một hệ thống “bá lan”.
“Thực tế hệ thống các cột và dầm ông Tân dựng lên không thành hình chữ nhật mà thành… hình thang, thành đồ bỏ. Vì vậy ông Tân đã “bỏ của chạy lấy người”, sau đó dựng chuyện, vu khống, kiếm chuyện với tôi. Không có chuyện tôi “cố tình đơn phương chấm dứt hợp đồng” hay “chiếm giữ công cụ” của ông Tân”, ông Tâm nói.
Có nhiều chứng cứ, kết luận cho thấy những phản ánh của ông Tâm là đúng. Văn bản kết luận giám định của Sở Xây dựng cho thấy trong số khối lượng 19 tấn vật liệu dựng hệ thống “bá lan” này, chỉ có 5 tấn là theo thiết kế chuẩn. Thực tế tại hiện trường, hiện hệ thống chỉ có chình ình 10 cây cột sắt gỉ dựng xiên xẹo theo hình thang, thiết kế ẩu đến mức không thể bắt vít bù loong, chỉ đưa một tay đẩy là cây cột đã rung bần bật.
Ông Tâm không chấp nhận mọi yêu cầu của nguyên đơn. Ông muốn ông Tân tiếp tục thực hiện hợp đồng, dựng lại hệ thống “bá lan” chuẩn cho ông; hoặc tòa tuyên hợp đồng hai bên vô hiệu, hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nguyện vọng lớn nhất của ông là tòa sớm cho dẹp 10 cây cột sắt gỉ này đi, để ông nhờ công ty “xịn” thiết kế cho ông hệ thống khác, giải phóng nhân công khuân vác dùng vào việc khác.
Hệ thống “bá lan” xiên xẹo trong xưởng ông Tâm; và một hệ thống “chuẩn” khác |
Tòa Cao Lãnh bị tố “ngâm tôm” vụ kiện
Thế nhưng trước những mong mỏi của ông Tâm, TAND TP Cao Lãnh lại ra quyết định yêu cầu ông giữ nguyên hiện trường. Vậy là ngày ngày cả công ty sống cùng nỗi ấm ức với 10 cái cột gỉ như 10 cái gai đâm vào mắt, từ đó đến nay đã gần 2 năm mà vụ án vẫn chưa xử, chưa biết khi nào kế hoạch máy móc của công ty mới được thực hiện.
Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Thẩm phán Lê Thị Mỹ bị ông Tâm tố có nhiều vi phạm tố tụng hòng “ngâm tôm” vụ kiện như sau.
Thứ nhất, sau này khi bị kiện, ông Tâm cho rằng mới biết ông Tân chỉ là “thợ làng”, thợ “tay ngang”, không đủ trình độ và điều kiện để thiết kế hệ thống “bá lan”. Vì vậy lẽ ra tòa phải xác định đây là hợp đồng vô hiệu, nhưng Tòa Cao Lãnh đã bỏ qua vấn đề này.
Thứ hai, theo khoản 2 Điều 203 BLTTDS 2015, với vụ án tranh chấp về kinh doanh thương mại, thời hạn xét xử là 2 tháng, kể từ ngày thụ lý. Trường hợp vụ án phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì gia hạn 1 tháng. Như vậy, thời hạn tối đa buộc phải đưa vụ án ra xử là 3 tháng. Vụ kiện được thụ lý ngày 11/4/2019, thời hạn đưa ra xét xử tối đa là 11/7/2019. Nhưng quá thời hạn trên, tòa không xử mà ngày 12/7/2019 lại ra quyết định 56/2019/QĐST-KDTM tạm đình chỉ.
Vụ kiện “ngâm tôm” đến nay hơn 15 tháng là do thẩm phán có nhiều quyết định tạm đình chỉ tùy tiện, “cắc cớ”. Ví dụ, ngày 12/7/2019, tòa tạm đình chỉ với lý do: “Cần đợi văn bản trả lời của Sở Xây dựng và... Công an phường Mỹ Phú”, dù Công an phường chẳng liên quan gì vụ kiện này.
Ngày 5/9/2019, tòa thụ lý lại thì đến ngày 6/12/2019 (quá hạn 1 ngày) lại ra quyết định 03/2019/QĐST-KDTM tạm đình chỉ với lý do: Cần đợi văn bản trả lời của Phòng Tài chính kế hoạch TX Cai Lậy xác minh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Hộ kinh doanh cơ khí Phú Vinh (nguyên đơn).
Một ví dụ nữa, ngày 5/6/2020, tòa “cần phải trưng cầu giám định chất lượng công trình” nên ra quyết định gửi “Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng” nhưng không nêu rõ là Trung tâm nào. Bất thường hơn, tòa ra quyết định trưng cầu nhưng không nêu được cụ thể giám định chất lượng nội dung gì, công việc gì với công trình. Vậy là Trung tâm phải có văn bản hỏi lại. Hỏi đi hỏi lại như vậy, mất toi hàng chục ngày.
Ông Tâm bức xúc: “Với thực tế trên thì không loại trừ tới đây Tòa Cao Lãnh có thể có văn bản hỏi về việc nguyên đơn, bị đơn có còn hộ khẩu nơi này, nơi kia hay không và 1001 lý do khác để “câu giờ” vụ kiện, khiến chúng tôi “lãnh đủ”, cứ phải sống chung với 10 “cái gai” trong nhà kho, công nhân hàng ngày cứ phải còng lưng cõng vật liệu hàng hóa thay máy móc”.
Thứ ba, theo ông Tâm, tòa đã không tống đạt quyết định 64 ngày 16/3/2020 về gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử và Quyết định 36/2020/QDDST-KDTM tạm đình chỉ giải quyết vụ án lần 3 ngày 16/4/2020 khiến ông mất quyền kháng cáo.
“Khi tôi khiếu nại thì tòa trả lời là đã tống đạt cho tôi ngày 21/4/2020 qua nhân viên bưu tá bưu điện tỉnh. Họ nói tôi có mở ra xem, sau đó dán lại và không nhận, không ký tên vào chứng từ. Đây là sự vu khống”, ông Tâm nói. Theo ông Tâm, nếu ông không nhận văn bản tống đạt thì theo Điều 177 và 179 BLTTDS, người tống đạt phải lập biên bản nêu rõ lý do từ chối, có xác nhận của tổ dân phố hoặc công an, phải thực hiện niêm yết công khai. “Tòa Cao Lãnh không có chứng cứ về việc tôi từ chối nhận văn bản tống đạt. Như vậy, tòa đã vi phạm tố tụng về thủ tục tống đạt văn bản quyết định, không loại trừ trường hợp thẩm phán ra quyết định “khống”, ông Tâm nói.
Thứ tư, sau khi tạm đình chỉ vụ án, thì mọi hoạt động tố tụng phải dừng lại. Thế nhưng trong vụ kiện này, có lúc dù đã có quyết định tạm đình chỉ, Thẩm phán Mỹ vẫn lập đoàn định giá xuống hiện trường. Theo ông Tâm, như vậy không chỉ vi phạm tố tụng, mà còn là một kiểu “quấy nhiễu” DN.
Ông Tâm cho rằng thực tế trên cho thấy có dấu hiệu Tòa Cao Lãnh có nhiều vi phạm tố tụng, thiếu sót về nghiệp vụ, không loại trừ có động cơ khác như lạm quyền nhũng nhiễu DN, đi ngược với chỉ đạo của Đảng và Nhà nước... Trong vụ kiện này, nguyên đơn, Tòa án Cao Lãnh và Tòa án tỉnh Đồng Tháp, cũng như các cơ quan có thẩm quyền khác nói gì? Chúng tôi sẽ phản ánh trong các số báo sau.