Quyết liệt loại bỏ “ung thư” đạo đức

(PLVN) - Những ngày qua, nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước, kể cả đời sống xã hội vang lên day dứt trên nghị trường của Quốc hội. Không chỉ là kinh tế, là công nợ, là giải ngân, là an ninh, an toàn mà cả đạo đức. Tất nhiên không phải là đạo đức chung chung trong xã hội mà là đạo đức của cán bộ, quan chức.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Đó là thực trạng rất nhiều cán bộ vướng vào gian lận điểm thi, chỉ muốn con em, gia đình mình ở “đẳng cấp trên”, ngang nhiên “tước đoạt” cơ hội của hàng trăm thí sinh khác.

Đó là tình trạng làm điêu, báo cáo hay, tô rồng, vẽ phượng còn rất nhiều. Hàng ngàn đối tượng giả mạo hồ sơ để chiếm đoạt bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thực hiện chính sách người có công, liệt sỹ giả, thương binh giả, da cam giả, anh hùng giả, bằng cấp giả, thương hiệu giả, thuốc giả…. Thậm chí, khi bị phát hiện họ còn gian dối, tìm cách “cứu thoát” nhau, né tránh, vin nào là cơ chế, chính sách cán bộ để trốn tránh trách nhiệm.

Bên ngoài đó là sự vi phạm pháp luật, nhưng bên trong đúng như báo cáo của Chính phủ chính là sự vi phạm đạo đức.

“Tôi không dám võ đoán nhưng tin rằng các tướng tá, cán bộ bị xử lý thời gian qua chắc đều có bản kiểm điểm rất sáng. Có lẽ còn rất nhiều cán bộ xấu xa đang lẩn khuất tạo ra quốc nạn tham nhũng làm mất lòng tin của người dân vào Đảng và Nhà nước”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lưu ý.

Vị đại biểu này đánh giá rằng, đó chính là căn bệnh ung thư, di căn về nhân cách và “dứt khoát phải loại bỏ ra khỏi xã hội nhưng không thể loại bỏ bằng các biện pháp thông thường mà phải quyết liệt”.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc chống lại băng hoại đạo đức của cán bộ, quan chức. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về sự tích cực trong cuộc chiến này thể hiện qua việc Luật Phòng chống tham nhũng được thông qua; không thống nhất được việc kiểm soát tài sản của quan chức không chứng minh được nguồn gốc.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo. Bởi hơn bao giờ hết, chúng ta đang chứng kiến: tham nhũng chính là sự băng hoại đạo đức nguy hiểm nhất.

Thậm chí, tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ đã làm sai lệch chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây đang là thời điểm “nhạy cảm” chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, nhiều đại biểu đã đề cập đến chuyện “mua quan bán chức”.

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng phải làm liên tục, không ngừng nghỉ, làm đồng bộ và có hệ thống, trong đó không chỉ là quyết tâm chính trị mà cần phải được thể chế hóa các quy định của pháp luật. Và một khi không kiểm soát được “ung thư đạo đức, di căn nhân cách” ngay trong cán bộ có chức, có quyền thì rất khó cứu vãn đạo đức trong xã hội. 

Đọc thêm