Mới đây, Thủ tướng nhắc lại phương châm này khi kết luận Hội nghị đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và DN.
Theo thống kê, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng năm 2024 trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Nhiều tổ chức quốc tế như WEF, IMF đánh giá cao; thậm chí IMF đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% giai đoạn 2024 - 2029.
Cũng theo các tổ chức quốc tế này, Việt Nam đã tăng 12 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng tăng 2 bậc. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc. Chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc.
Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà cho năm 2025, là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương nêu cao phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, chủ động, sáng tạo, tự tin, đổi mới, “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, như Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo.
Mới đây, ngày 23/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền xử lý cấp dưới của người đứng đầu. Một trong những “căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết” là “cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao”.
Trước đó, sau Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị; thì ngày 29/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Như vậy, chúng ta đã vừa có quy định của Đảng, đồng bộ với quy định pháp luật để cán bộ tự tin sáng tạo, đổi mới; góp phần dẹp tình trạng sợ sai mà không làm, mà né tránh trách nhiệm.
Trở lại với Hội nghị đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử như đã nêu trên, một thực tế trong lĩnh vực chuyển đổi số là tiến độ xây dựng quy định, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, Thủ tướng nêu ra còn 3/6 Nghị định chưa được ban hành đúng thời hạn; việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm. Đặc biệt, việc tái cấu trúc, quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính còn rất chậm, nhất là với các thủ tục liên quan đến trách nhiệm nhiều cơ quan. Vì vậy, việc chúng ta một lần nữa phải nhấn mạnh lại tinh thần nghiêm túc thực hiện phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, là rất cần thiết.