Theo bản án, phía nguyên đơn là bà Lại Thị Đáo (đã chết – người thừa kế vụ kiện là ông Nguyễn Văn Chu) khởi kiện yêu cầu phía bị đơn, trong đó có bà Nguyễn Thị Giữ, trả lại phần đất ở xã Vĩnh Lộc B.
Bên nguyên đơn cho rằng, năm 1976, bà Đáo cho chồng bị đơn là ông Lại Văn Trụ (người bà con) ở nhờ trên phần đất của gia đình bà. Sau đó, ông Trụ kê khai “chiếm” khu đất này nên bà Đáo khởi kiện, yêu cầu ông Trụ trả lại đất cùng với khu đất mộ nơi có mộ cha mẹ bà Đáo.
Còn phía bị đơn thì cho rằng, nguồn gốc đất là của phía gia đình chồng bà là ông Trụ, đã sử dụng ổn định lâu dài. Đến năm 1996, phía vợ chồng bà đã được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy tờ nhà đất. Nay phía bà không đồng ý với yêu cầu đòi lại đất cùng khu đất mộ của phía nguyên đơn...
Xử sơ thẩm, TAND huyện Bình Chánh đã chấp nhận một phần yêu cầu của phía nguyên đơn, buộc bị đơn và các thành viên trong gia đình ông Lại Văn Trụ trả lại phần đất thổ mộ của gia tộc họ Lại, giao cho ông Chu quản lý.
Không đồng ý các nội dung của bản án sơ thẩm, bị đơn mới đây đã kháng cáo, cho rằng Tòa sơ thẩm nhận định chưa đầy đủ, thiếu khách quan.
Theo bà Giữ, do đây là phần đất mộ của gia tộc nên việc có mộ của người thân thích trong họ tộc trên đất là chuyện tất nhiên. Trên đất có mộ của ông bà, cô, chú, bác… của phía nguyên đơn thì trên đất này cũng có nhiều phần mộ của những người thân thích của bị đơn như ông bà cố, bà nội và nhiều thân nhân khác… Thế nên, việc Tòa án cấp sơ thẩm chỉ dựa vào việc trên đất có mộ của gia đình nguyên đơn để giao quyền quản lý phần đất mộ cho nguyên đơn là không hợp lý.
Theo phía bị đơn, việc ai quản lý phần mộ gia tộc cần phải được cả gia tộc thống nhất giao, chứ Tòa án không thể căn cứ vào yêu cầu của một cá nhân nào đó rồi giao cho họ.
Ngoài ra, bà Giữ cũng yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem lại quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khi giao phần đất tranh chấp cho ông Nguyễn Văn Chu. Vì đây là tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà Lại Thị Đáo với gia đình bị đơn, nên trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn (là bà Đáo) thì quyền sử dụng với phần đất đang tranh chấp phải được giao cho bà Đáo.
Khi bà Đáo chết không để lại di chúc thì những người thừa kế hợp pháp của bà Đáo phải là những người được giao quyền quản lý sử dụng với phần đất đang tranh chấp, mới là đúng quy định. Sau khi những người đồng thừa kế của bà Đáo được giao quyền quản lý, sử dụng với phần đất đang tranh chấp thì những người này mới có quyền định đoạt phần quyền của mình…
Mới đây, Tòa án cấp phúc thẩm đã đưa vụ án ra xét xử nhưng tạm hoãn để xem xét lại các chứng cứ. PLVN sẽ theo dõi, thông tin vụ kiện hi hữu này đến bạn đọc.