Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện khái niệm về thị trường bất động sản nông nghiệp (BĐSNN) tại Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng, thiếu tính nhất quán; nguồn lực tài sản đất đai, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được vận hành theo cơ chế thị trường; cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp nói chung và cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều bất cập…
Những khó khăn, vướng mắc này dẫn đến kết quả thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng phát triển; chưa huy động được hết nguồn lực và nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp của các thành phần kinh tế.
Trước thực trạng này, “việc xác định, công nhận BĐSNN là một loại hình sản phẩm bất động sản là điều cần thiết và phù hợp với nhu cầu thị trường. Việc đánh giá quy mô, tiềm năng phát triển, từ đó có các định hướng phát triển, đồng thời xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý cho loại hình này cũng là điều hết sức cấp thiết”, ông Chiến nói.
Tham luận tại Hội thảo, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phát triển thị trường mua bán đất nông nghiệp và xu hướng tập trung đất đai là tất yếu. Đó là xu hướng làm gia tăng sản lượng nông nghiệp, áp dụng công nghệ, hiện đại hóa và tăng giá trị gia tăng cho đất nông nghiệp.
Đây cũng là xu hướng ổn định nguồn cung và chất lượng nông sản để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời cũng là xu hướng tất yếu để thu hút lao động nông nghiệp ra khỏi khu vực nông thôn, tham gia vào các khu vực khác như công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
“Vấn đề đặt ra là Chính phủ phải có một chiến lược toàn diện về việc giải quyết những vướng mắc của thị trường BĐSNN. Quan trọng nhất là đầy đủ nền tảng pháp lý, tạo sự an toàn, dài hạn cho nhà đầu tư. Trên cơ sở đó mới tập trung được nguồn lực đất đai để đi vào sản xuất lớn”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, thị trường BĐSNN có nhiều tiềm năng, cần được tiếp tục gỡ nút thắt. “Phát triển thị trường BĐSNN là giải pháp tối ưu và là xu hướng tất yếu để đưa ngành Nông nghiệp vươn xa. Điều kiện để thành hình và phát triển thị trường BĐSNN lành mạnh của các hộ nông dân là các giao dịch về BĐSNN cần đáp ứng được các yêu cầu, như: Không chuyển mục đích sử dụng đất; hài hòa mục tiêu lợi nhuận; nâng cao chất lượng đất, chất lượng sản phẩm nông sản”, ông Phong nói.
Theo PGS. TS Trần Kim Chung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thị trường BĐSNN đã có những bước tiến triển trong giai đoạn 2000 - 2019. Ông Chung cũng chỉ ra một trong những vướng mắc hiện nay là vấn đề hạn điền.
Theo quy định hiện tại, hạn điền chỉ là 2 - 3ha. Nếu tích tụ vượt quá 10 lần sẽ chuyển sang thuê của Nhà nước. Việc thế chấp đất đai chỉ dựa trên số tiền thuê của Nhà nước, vì vậy các chủ thể tích tụ ruộng đất gặp khó khăn trong tạo lập tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, các quy định về chủ thể có thể được mua quyền sử dụng đất cũng đang là một hạn chế cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp khi tiếp cận đất đai. Việc tập trung hóa ruộng đất đang còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
Dưới góc nhìn của GS Đặng Hùng Võ, giải pháp là phải sửa đổi Luật Đất đai 2013 để giải bài toán tập trung tích tụ đất đai dựa trên mối liên kết doanh nghiệp - nông dân hoặc liên kết cộng đồng nông dân.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đều thống nhất cho rằng, những khó khăn về tích tụ, tập trung đất đai nông nghiệp đang là một trong những rào cản khiến doanh nghiệp khó đầu tư sản xuất ngành Nông nghiệp quy mô lớn. Vấn đề này cần được giải quyết khi sửa đổi các luật và văn bản nghị định liên quan.