Trong tuần đầu thụ thai, nồng độ của hoóc-môn progesterone sẽ gia tăng và phôi thai bắt đầu tiết ra hCG. Các cơ của bàng quang và thành tử cung sẽ bị giãn nở ra, trong khi đó lưu lượng máu đến vùng chậu cũng gia tăng.
Đáy chậu hay còn gọi là sàn chậu được tạo nên bởi một nhóm các cơ và dây chằng có vai trò nâng đỡ các cơ quan như bàng quang, tử cung, trực tràng, giữ các cơ quan này ở đúng vị trí.
Các cơ sàn chậu cũng kiểm soát sự đóng, mở của niệu đạo (đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) và hậu môn, giúp duy trì khả năng kiểm soát tiểu tiện và trung, đại tiện. Ở một số phụ nữ, việc mang thai và sinh đẻ làm tổn thương hệ thống nâng đỡ kể trên khiến cho âm đạo rộng, các tạng trong tiểu khung như bàng quang, tử cung, trực tràng bị sa xuống thấp.
Bên cạnh đó còn kèm theo sự mất tự chủ về tiểu tiện (són tiểu) và đại tiện (són phân), giảm ham muốn hoặc đau khi quan hệ vợ chồng. Không chỉ sinh đẻ mà tuổi tác và sự giảm nội tiết (sau mãn kinh) cũng là nguyên nhân của những thay đổi không mong muốn này. Tỷ lệ mắc các rối loạn chức năng kể trên là 25% ở phụ nữ trẻ và 50% ở phụ nữ trên 50 tuổi. Tuy vậy rất ít phụ nữ đi khám vì xấu hổ và cho rằng bệnh không thể chữa được.
1.Những biểu hiện của rối loạn chức năng tiểu tiện ở phụ nữ mang thai
Đường tiểu:
– Tiểu không kiểm soát khi gắng sức: són tiểu khi cười, ho, hắt hơi, khi chạy nhảy hoặc mang vật nặng.
– Tiểu gấp: không nín tiểu được theo ý muốn khi mắc tiểu.
– Tiểu đêm > 1 lần.
– Tiểu nhiều lần: khoảng cách giữa 2 lần đi tiểu < 1 giờ hoặc tiểu > 8 lần /ngày.
– Tiểu không kiểm soát liên tục: nước tiểu rỉ rả liên tục cả ngày.
– Tiểu khó phải rặn.
– Cảm giác đi tiểu không hết.
2.Biến chứng, nguy cơ rối loạn chức năng tiểu tiện
Nhiễm trùng đường tiểu: mặc dù biểu hiện đi tiểu nhiều lần là dấu hiệu phổ biến trong thai kỳ, nhưng cũng có thể chỉ ra sự hiện diện của nhiễm trùng đường tiểu như viêm bàng quang hoặc viêm thận - bể thận.
Những nhiễm trùng này có thể thấy ở phụ nữ mang thai, vì vậy bạn nên để ý đến sự hiện diện của máu hay thay đổi màu sắc của nước tiểu và cảm giác đau rát khi đi tiểu. Sốt, ớn lạnh là những triệu chứng trong nhiễm trùng đường tiểu, nhưng không phải khi nào cũng có.
3. Khắc phục hậu quả rối loạn chức năng tiểu tiện
Trong ba phương pháp điều trị: phẫu thuật, tập phục hồi chức năng và dùng thuốc thì tập phục hồi chức năng cơ sàn chậu được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới.
Đây là các bài tập do Kegel – nhà Sản phụ khoa người Mỹ đề xuất đầu tiên năm 1948. Sau tập, các cơ sàn chậu phục hồi được khả năng co bóp và nâng đỡ các cơ quan, duy trì sự tự chủ về tiểu tiện và đại tiện.
Bài tập kegel |
Bên cạnh đó, tập làm giảm đau, tăng độ ‘khít’ của âm đạo, khiến cho sinh hoạt tình dục trở nên thoải mái, thú vị hơn. Chính vì vậy, mặc dù đã ra đời từ hơn 60 năm nay nhưng bài tập của Kegel vẫn là phương pháp được lựa chọn đầu tiên do tính an toàn, hiệu quả điều trị cao đến 80 – 90%.
Lưu ý
Hiện tượng đi tiểu nhiều nếu không vệ sinh sạch sẽ làm viêm nhiễm vùng kín, thậm chí còn dẫn tới hiện tượng viêm đường tiết niệu. Vì thế, sau mỗi lần đi tiểu nên lau khô (không chà xát) từ đằng trước ra đằng sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn di chuyển ngược lên vùng kín và giữ cho vùng kín sạch sẽ.
Thay quần lót thường xuyên và không nên lạm dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ, băng vệ sinh hàng ngày. Tránh ngâm mình trong bồn tắm quá 30 phút hoặc quá 2 lần mỗi ngày. Vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ để tránh ảnh hưởng tới bộ phận sinh sản của bạn, như vậy mới góp phần giúp mẹ và bé khỏe mạnh, an toàn khi mang thai.