Rồi mùa xuân sẽ trở lại…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Càng về sau, nhiều người càng có xu hướng ăn Tết tinh giản, thiên về chất lượng nhiều hơn là cầu kì, chỉn chu như trước. Đặc biệt là khi đã trải qua những ngày tháng dịch bệnh nhiều khó khăn mất mát như vừa rồi.
Thay vì mâm cao cỗ đầy, nhiều người chọn ăn Tết tinh giản, tiết kiệm
Thay vì mâm cao cỗ đầy, nhiều người chọn ăn Tết tinh giản, tiết kiệm

Tinh giản vẫn trọn vẹn ý nghĩa

Một xu hướng ăn Tết đang diễn ra rõ ràng trong năm 2022, đó là ăn Tết đơn giản, tiết kiệm. Qua một năm nhiều biến động, khó khăn do dịch bệnh hoành hành, người dân vẫn còn mang những nỗi lo lắng, ngổn ngang, nên đa phần lựa chọn cách ăn Tết tiết kiệm, hợp với thu nhập và còn dự phòng bất trắc.

Gia đình anh Trần Hoài Trung, ngụ quận 9, TP Thủ Đức năm nay quyết định cắt giảm 50% chi phí dành để ăn Tết so với mọi năm. Các năm trước, anh chi trọn lương tháng 13 và thưởng Tết của hai vợ chồng, tầm trên 40 triệu để chi phí cho ngày Tết. Nào là tiền mua sắm quần áo, thay đồ cũ, trang trí đồ mới trong nhà, tiền mua sắm thực phẩm dự trữ, đồ ăn vặt. Chưa kể đến tiền quà cáp cho đồng nghiệp, người thân, bạn bè, gia đình nội ngoại hai bên...

Năm nay, suốt những tháng giãn cách, anh chị làm việc tại nhà, mức lương chỉ còn 50 - 70% so với thông thường. Đồng thời, các khoản thu nhập phụ cũng không còn. Cuối năm, công ty cả hai cũng cắt giảm thưởng Tết. Số tiền ít ỏi, cùng với nỗi lo lắng, bất an, muốn tiết kiệm để duy trì cuộc sống, cả hai quyết định cắt giảm tối đa khoản tiền chi cho Tết.

Anh Trung cho biết, thay vì mua sắm quần áo thoải mái, hai vợ chồng chỉ mua sắm cho các con. Sofa cũ, thay vì thay mới, họ đặt may bộ bọc nệm sofa mới, tiết kiệm được 90% số tiền. Cạnh đó, việc chi dùng cho ăn uống, quà cáp cũng giảm tối thiểu. “Chỉ có số tiền biếu ăn Tết cho bố mẹ đôi bên là giữ nguyên, vì khoản đó không nên cắt giảm. Còn lại, chúng tôi ngồi với nhau và quyết định bỏ những khoản “râu ria” không cần thiết. Sau khi tinh giản xong, hóa ra thấy tiết kiệm khả nhiều, và Tết cũng vẫn đẩy đủ, không thiếu thốn gì. Chẳng qua trước kia mình xông xênh nên cứ cầu toàn, thích vẽ cái này cái kia ra thôi. Vợ chồng tôi quyết định những năm sau sẽ tiếp tục duy trì cách ăn Tết tiết kiệm như thế”, anh Trung chia sẻ.

“Ăn Tết tiết kiệm” đã trở thành một từ khóa quen thuộc đối với người dân TP HCM trong thời gian này. Đây cũng là một đề tài được bán tán sôi nổi trên mạng xã hội. Một diễn đàn nổi tiếng dành cho gia đình đã tổ chức một mini game với chủ đề như trên, và nhận được bài dự thi của hàng trăm thành viên. Trong đó, hầu hết các thành viên đều chia sẻ những cách thức gia đình áp dụng để ăn Tết vẫn vui mà không lãng phí. Có người, thay vì mua đồ ăn về trữ ngập tủ lạnh thì chỉ mua vừa đủ ăn trong vài ngày, rồi những ngày sau, siêu thị và chợ mở cửa sẽ đi chợ hàng ngày. Có gia đình thay vì mua hàng thùng nước đóng chai, thì mua các loại trái cây bình dân ép nước uống, hoặc nấu các loại nước mát giải nhiệt ngày Tết cho cả nhà.

Có gia đình, thay vì chưng những chậu hoa đắt tiền hàng chục triệu đồng, đã cùng nhau mua hoa về trồng từ 2 tháng trước, cùng nhau vun tưới, để ngày Tết chưng hoa của chính tay mình trồng nên. Cùng nhau làm bánh mứt, nấu nướng những món ngon cho ngày Tết cũng là một lựa chọn được nhiều gia đình đưa ra vào dịp Tết này.

Thay vì các mặt hàng xa xỉ, thực phẩm thiết yếu trở thành món quà thông dụng trong mùa Tết năm nay. Anh Lê Phan Trung Hiếu, chủ một công ty kinh doanh may mặc cho biết, năm nay, khi khảo sát, nhân viên của anh cho biết mong muốn trong giỏ quà nhận được chả lụa, nem, lạp xưởng và các loại thực phẩm khô hơn là các sản phẩm tặng những năm trước như áo sơ mi, cặp rượu... Đồng thời, Tết năm nay, khi cân nhắc tặng quà cho bà con, bạn bè, anh cũng cân nhắc những sản phẩm có tính thực tế, thiết yếu chứ không tặng những món quà mang tính chất xa xỉ, trưng bày như mọi năm.

Hạnh phúc được đoàn viên

Với gia đình chị Trần Hạnh Thúy, công nhân thuộc khu chế xuất Linh Trung, thì Tết 2022 năm nay chỉ cần “cả nhà sum họp” là niềm vui lớn nhất. Thời điểm giãn cách 4 tháng tại TP HCM, hai vợ chồng chị thất nghiệp suốt nhiều tháng trời, phải lấy toàn bộ tiền tiết kiệm và nương nhờ các nhà hảo tâm để vượt qua khó khăn.

Tết đủ đầy các thành viên gia đình là cái Tết hạnh phúc nhất

Tết đủ đầy các thành viên gia đình là cái Tết hạnh phúc nhất

Đến tháng 9, thời điểm cao điểm của dịch bệnh, chồng chị Thúy trở thành F0, phải nhập viện điều trị. Có thời điểm, anh bị tăng nặng, phải thở máy, cũng có lúc anh ở ranh giới mong manh của sinh tử. Chị và các con ở ngoài chỉ biết cầu nguyện, mong anh vượt qua được. Sau hơn 1 tháng kể từ ngày nhập viện, anh mới trở về. Sau đó là cả một quãng thời gian để phục hồi các di chứng do COVID - 19 để lại.

Tết này là một cái Tết nghèo đối với vợ chồng chị. Chị mới được công ty gọi đi làm từ tháng 11, còn anh vừa mới đi làm cách đây 2 tuần do sức khỏe mới hồi phục. Chị kể, lãnh lương xong, tháng nào cũng phải trích ra trả nợ vay trong thời gian không có việc làm, Tết dù có thưởng chút đỉnh cũng không đủ tiền sắm sanh cho tươm tất. “Nhưng dù là rau cháo ngày Tết thôi nhưng gia đình tôi cũng không thấy buồn gì, bởi được có mặt bên nhau đầy đủ ngày Tết là hạnh phúc nhất rồi. Trong những ngày ảnh ở trong bệnh viện, mẹ con tôi chỉ cầu nguyện cho anh được bình an trở về, dẫu nghèo khổ gì cũng không sợ, miễn có trọn vẹn gia đình là được”.

Đoàn viên là hạnh phúc, rất nhiều gia đình ở TP HCM đã thấm thía ý nghĩa của điều này, sau khi trải qua những ngày tháng dịch bệnh gian lao, khủng khiếp. Bác sĩ Phan Anh Tuấn, một bác sĩ nội trú tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch từ tháng 8 đến tháng 10/2021. Anh là con trai duy nhất trong gia đình nên ba mẹ anh rất lo lắng, bất an. Nhưng con trai đã quyết như thế, ông bà cũng không ngăn cản mà chỉ có thể ủng hộ con. Những ngày tháng ấy, hai vợ chồng mất ăn mất ngủ vì lo lắng, đặc biệt khi nghe nhiều chiến sĩ y tế nhiễm bệnh, thậm chí hy sinh. Chỉ đến khi thành phố giảm dần ca nhiễm, tháo bỏ giãn cách, đời sống bình thường mới và con trai trở về nhà, hai ông bà mới thở phào nhẹ nhõm. Tết năm nay, cả gia đình họ cũng chọn một cái Tết giản đơn, ấm cúng, với bánh chưng, mâm ngũ quả và cành mai vàng. Với cả nhà ba người, như thế là đủ ấm cúng rồi.

Trải qua những ngày tháng gian lao và mất mát, người ta càng thấy trân trọng giá trị của gia đình, trân trọng những gì đang hiện hữu. Cùng với mối lo ngại dịch bệnh vẫn còn lởn vởn ngoài cộng đồng, Tết này, nhiều người chọn ăn Tết bên gia đình mình, bỏ đi những cuộc nhậu nhẹt, những cuộc vui “hết cỡ” bên ngoài.

Còn có cả những người, lựa chọn ăn Tết giản đơn, không cầu kì xa hoa không phải bởi khó khăn kinh tế, bất an cho tương lai, mà bởi muốn hướng tâm đến đồng bào tử nạn. Cái Tết đơn sơ như một tấc lòng đồng cảm gửi đến những gia đình có người thân mất đi vì COVID - 19.

Tết này, có những gia đình ăn Tết đầm ấm, đủ đầy, có người tận hưởng Tết giản đơn mà yên vui. Nhưng sẽ có những gia đình, Tết sẽ gợi nhắc họ nhớ đến sự thiếu đi một, vài thành viên trong nhà. Có những ngôi nhà, nước mắt còn nóng hổi, khăn tang vừa tháo xuống, vợ chồng lẻ đôi, con thành mồ côi. Những ngày xuân rộn ràng sẽ kém vui đi bởi sự mất mát, tổn thương vẫn còn đó, với những khoảng trống không thể lấp đầy.

Nhưng dẫu thế nào một mùa xuân mới đã đến. Một mùa xuân rất đặc biệt, khi TP HCM và cả nước đã vượt qua một chặng đường quá nhiều mất mát, thương đau. Một mùa xuân của bình thường mới, đánh dấu cho sự hồi sinh và chữa lành. Mùa xuân đến, và nỗi đau nào cũng sẽ đi qua.

Đọc thêm