Rộn ràng lễ hội tháng Giêng ở phương Nam

(PLVN) - Sau Tết là đến thời điểm rộn ràng của các lễ hội tháng Giêng ở phương Nam. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình, là sợi dây gắn kết cộng đồng, kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.
Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu) được coi là ngày rằm quan trọng nhất trong năm đối với cộng đồng người Hoa sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Báo Dân tộc)

Độc đáo các lễ hội tôn thờ nữ thần ở miền Nam

Mỗi năm cả nước ước tính có khoảng 9.000 lễ hội lớn, nhỏ rải rác khắp mọi miền Tổ quốc. Hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào mùa xuân, nhiều nhất là vào tháng Giêng.

Người Việt có câu "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Du xuân, tham gia các lễ hội tháng Giêng không chỉ là hoạt động mang tính vui chơi, mà cũng là truyền thống văn hóa hàng ngàn năm nay của dân tôc.

Một điều độc đáo là mỗi một vùng miền của đất nước lại có những hình thái lễ hội đặc trưng. Nếu như ở miền Bắc có đa dạng lễ hội, liên quan đến văn hóa tín ngưỡng, đến lịch sử dựng nước giữ nước... thì miền Nam và miền Trung lại có những cách tổ chức lễ hội riêng. Suốt dải eo biển miền Trung, đời sống Nhân dân gắn liền với mưu sinh trên biển, thế nên, Lễ hội Cầu ngư với tục thờ cá ông và Quan Âm Nam Hải là nét nổi bật nhất trong hệ thống lễ hội của người dân miền này.

Tại miền Nam, các lễ hội thường hướng đến quá trình “mang gươm mở cõi” của dân tộc, vinh danh các vị anh hùng mở cõi, giúp dân khai khẩn. Cạnh đó, hệ thống lễ hội nổi bật của miền Nam liên quan nhiều đến tín ngưỡng thờ mẫu, thờ các nữ thần.

Tại chùa Bà Thiên Hậu (Thủ Dầu Một, Bình Dương), nơi thờ vị nữ thần hiệu là Thiên Hậu Thánh Mẫu, lượng du khách đến viếng trong tháng Giêng rất đông, lên đến vài chục ngàn người. Đặc biệt, Lễ hội Rằm tháng Giêng được tổ chức tại chùa Bà là một trong những lễ hội có quy mô lớn hàng đầu khu vực. Tâm điểm của Lễ hội chính là Lễ cúng vía Bà và lễ Rước kiệu Bà, được người dân trong vùng và người hành hương khắp nơi rất quan tâm.

Lễ cúng vía Bà được tiến hành vào lúc nửa đêm 14 đến sáng 15 tháng Giêng, khách hành hương đa số là người Việt gốc Hoa từ các nơi. Ngôi chùa được trang hoàng cờ và đèn lồng từ cửa tam quan vào đến điện thờ. Mười hai chiếc lồng đèn lớn trang trí đẹp mắt tượng trưng cho 12 tháng trong năm treo thành một hàng dài trước sân chùa, tạo quan cảnh ngày hội thêm lộng lẫy. Ngày 15, lễ rước kiệu Bà được tổ chức theo lối cổ truyền: kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm TP Thủ Dầu Một cùng đội múa lân, mọi người làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới tại chùa và trước nhà mình nơi đoàn rước kiệu Bà đi qua.

Được biết, thời điểm Lễ rước kiệu Bà diễn ra hàng năm, có hàng ngàn người dân gồm người bản địa, dân các khu vực Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ, thậm chí từ miền Trung, miền Bắc... đổ về tham dự.

Một lễ hội mùa Xuân nổi tiếng bậc nhất miền Nam là Lễ hội Xuân núi Bà (núi Bà Đen, Tây Ninh). Hàng năm tại núi Bà Đen có hai lễ hội lớn tiêu biểu: hội Xuân núi Bà và hội Vía Bà. Hội Xuân bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng Giêng và kéo dài trong suốt tháng Giêng với các sự kiện, lễ hội truyền thống cách mạng, cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo.

Vị thần được thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà được thờ ở Điện Bà ở khoảng lưng chừng núi. Lễ hội Xuân núi Bà là nơi diễn ra những nghi thức trang nghiêm bày tỏ lòng tôn kính trước Linh Sơn Thánh Mẫu thiêng liêng, nơi du khách thập phương tấp nập ghé đến để cầu cho một năm mới bình an, sung túc. Đây là lễ hội được người dân Tây Ninh và những khu vực lân cận háo hức chờ đón trong năm.

Người dân miền Nam đi chơi hội tháng Giêng, chắc chắn cũng không thể bỏ qua Lễ hội Dinh Cô Long Hải được tổ chức tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dinh Cô ở Long Hải vốn là một di tích tâm linh nổi tiếng. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia có người con gái quê quán Phan Rang, theo cha vào vùng Bà Rịa buôn bán, chẳng may chết đuối, xác trôi vào bờ, được người dân trong vùng chôn cất trên cồn cát. Từ đó, cô thường báo mộng giúp người dân thoát thiên tai, dịch bệnh nên người dân lập đền thờ, gọi là Dinh Cô.

Lễ hội Dinh Cô Long Hải được ngư dân Long Hải tổ chức rất long trọng theo nghi thức cổ truyền vào 3 ngày từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm, với nghi lễ rước bằng tàu thuyền trên biển. Ngày vía Cô đã trở thành lễ hội thu hút rất đông khách du lịch từ nhiều tỉnh, thành khác đến. Các nghi lễ trong ngày hội có lễ cầu an tại chính điện vào đêm hôm trước. Bên ngoài diễn ra đêm hội hoa. Trong lễ rước, hàng chục chiếc ghe thuyền được trang hoàng lộng lẫy để cầu mong trời yên bể lặng, tôm cá đầy khoang.

Rộn ràng Tết Nguyên Tiêu - di sản văn hóa trong lòng đô thị hiện đại

Lễ rước kiệu Bà tại chùa Bà Thiên Hậu (Thủ Dầu Một, Bình Dương).

(Nguồn ảnh: Tri thức trẻ)

Với cộng đồng người Hoa ở TP HCM, Tết Nguyên Tiêu không chỉ là tết thuần túy mang thú vui thưởng ngoạn mà còn ý nghĩa tâm linh, tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, các bậc hiền nhân; cầu mong cho gia đình những điều tốt đẹp nhất ngay từ đầu năm.

Theo quan điểm truyền thống của người Hoa, năm mới bắt đầu theo lịch âm lịch từ Tết Nguyên Tiêu vào ngày rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch). Ngày này được coi là thời điểm dương khí tràn ngập, làm tan đi khí âm của năm cũ, mở ra một khởi đầu mới cho năm mới.

Rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu) được coi là ngày rằm quan trọng nhất trong năm đối với cộng đồng người Hoa sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Thời điểm này, các chùa ở Sài Gòn, đặc biệt là khu vực Chợ Lớn, đều nô nức khói hương. Nhiều lễ hội diễn ra ở đây, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân tại TP Hồ Chí Minh và du khách khắp nơi.

Trước và trong ngày Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên Tiêu, các khu vực nơi tập trung người Hoa nô nức diễn ra lễ hội, người đến đông nghịt, đặc biệt tại các di tích như chùa Bà Thiên Hậu, Hội quán Nghĩa An - chùa Ông, Miếu bà Hải Nam... Các hoạt động truyền thống hàng năm diễn ra trong Tết Nguyên Tiêu có thể kể đến như cúng nhang vòng, dâng dầu đèn cầu an.

Đặc biệt, lễ diễu hành "Quan Thánh Đế xuất du" của cộng đồng người Triều Châu đã thu hút hàng ngàn người dân đến tham dự. Cạnh đó còn có các chương trình nghệ thuật do cộng đồng người Hải Nam biểu diễn; các phần thi đố chữ, thư pháp và các màn trình diễn âm nhạc, tuồng cổ...; hàng loạt chương trình diễu hành, biểu diễn nghệ thuật ca hí kịch, múa lân sư rồng... diễn ra trên đường phố, tại Trung tâm Văn hóa quận 5 và các hội quán người Hoa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Tết Nguyên Tiêu tại quận 5 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chứng minh sự gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng người Hoa ở quận 5 và TP Hồ Chí Minh nói chung.

Nguyễn Thị Mỹ Diệp, sinh viên chuyên ngành văn hóa, đang học tập tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Từ ngày vào TP Hồ Chí Minh học, năm nào đến Tết Nguyên Tiêu em và các bạn đều đến quận 5 đi viếng các chùa để cầu an, cầu phúc, rồi xem các màn trình diễn và chụp những bức ảnh đẹp lung linh nơi đây. Em cảm thấy giữa một thành phố phồn hoa và sôi động, một lễ hội truyền thống như thế này khiến chúng em thấy như trước sống trong một không gian và thời gian khác, rất cổ xưa. Một lễ hội cổ xưa của người gốc Hoa sống trên đất nước Việt Nam, trong lòng một thành phố phát triển hiện đại nhất nước, thật thú vị”.

Có thể thấy, những lễ hội mùa xuân trên đất nước Việt, dẫu là lễ hội có lịch sử hàng ngàn năm, lễ hội trăm năm hay những lễ hội mới xuất hiện cách đây vài thập kỉ, đều là sự phản ánh nét đẹp rạng rỡ của tâm hồn Việt trong niềm náo nức đón xuân về.

Mỗi dịp lễ hội đều mang đến một đặc trưng và giá trị riêng biệt, giúp thế hệ trẻ ngày nay có thêm hiểu biết về công lao của tổ tiên và phát triển lòng tự hào về truyền thống của quê hương và đất nước. Mỗi lễ hội như một sợi dây kết nối cộng đồng, liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Các lễ hội không chỉ xây dựng nên các không gian văn hóa trang trọng và linh thiêng, mà còn tạo nên không khí rộn ràng và náo nức. Là nơi mà mỗi người Việt đều đến để thưởng thức niềm vui mùa xuân, đồng thời cũng là những thời khắc để dâng lên niềm tưởng nhớ và kính trọng cha ông, biết ơn tiền nhân, hiểu rõ, thấm nhuần và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.