Độc đáo tại Lễ hội Tiên Công

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 16/2 (mùng 7 tháng Giêng), tại miếu Tiên Công, xã Cẩm La, TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) diễn ra Lễ hội Tiên Công năm 2024. Đây là lễ hội độc đáo nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người dân vùng cửa biển Bạch Đằng.
Nghi lễ “rước người” chính là nét đặc sắc, độc đáo của Lễ hội Tiên Công.
Nghi lễ “rước người” chính là nét đặc sắc, độc đáo của Lễ hội Tiên Công.

Năm nay, lễ hội Tiên Công có trên 100 cụ đến tuổi thượng thọ - tuổi 80, 90 và 100. Trong đó, có 2 đoàn rước tập thể và 4 đoàn rước cá nhân theo nghi lễ truyền thống; các cụ còn lại được con cháu làm lễ tạ tại miếu và tổ chức lễ mừng thọ tại gia đình. Nghi lễ này diễn ra ở các phường, xã của vùng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) gồm: Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải, Cẩm La và Liên Hoà. Trong đó, trung tâm lễ hội là tại Di tích miếu Tiên Công và 17 từ đường các dòng họ thờ Thủy tổ Tiên Công.

Là một trong các cụ thượng thọ 80 tuổi được rước lên Miếu đường Tiên Công năm nay, cụ Nguyễn Văn Lưu (xã Cẩm La) chia sẻ: “Gia đình tôi đã gọi điện thông tin đến các con cháu về lễ rước thọ từ mấy tháng qua, các con cháu đã trở về nhà để cùng ăn bữa cơm liên hoan và bàn bạc thống nhất mọi nội dung chuẩn bị tổ chức rước thọ, tôi cảm thấy rất sung sướng, hạnh phúc khi thấy các con các cháu đoàn kết, chung tay, để tổ chức đưa tôi lên Miếu Tiên Công”.

Các cụ thượng thọ được con cháu trong gia đình rước lên miếu Tiên Công bằng võng lọng, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các bậc cao niên, các đấng sinh thành.
Các cụ thượng thọ được con cháu trong gia đình rước lên miếu Tiên Công bằng võng lọng, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các bậc cao niên, các đấng sinh thành.

Anh Nguyễn Văn Chiến, con trai cụ Nguyễn Văn Lưu cho biết thêm: “Năm nay được rước bố lên Miếu Tiên Công, gia đình tôi rất vinh dự, tự hào. Cả nhà tôi từ các anh em đến các con, các cháu, mỗi người đều được phân công công việc cụ thể, từ dọn dẹp trang hoàng nhà cửa thật chu đáo, đến chuẩn bị khăn, áo mũ, võng đào và tất cả các đồ rước đảm bảo theo đúng phong tục, tập quán địa phương”.

Lễ hội Tiên Công đã ăn sâu vào tiềm thức của từng người dân ở đảo Hà Nam, không chỉ ở các dòng họ, các gia đình có cụ thượng chăm lo chuẩn bị chu đáo cho lễ hội diễn ra thành công mà tất cả những người dân ở đây cũng đều chung tay hướng về lễ hội.

Lễ hội Tiên Công thu hút rất đông người dân và du khách tham gia.

Lễ hội Tiên Công thu hút rất đông người dân và du khách tham gia.

Ông Phạm Văn Mịch, Trưởng Ban khánh tiết Lễ hội Tiên Công, người đã có hơn 30 năm trông coi Miếu Tiên Công, cho biết: “Các thành viên trong Ban Khánh tiết Miếu Tiên Công đã xác định rõ trách nhiệm phục vụ tận tình, chu đáo đối với các cụ thượng thọ, đảm bảo các điều kiện việc trang trí khánh tiết, đón rước, mừng thọ các bậc cao niên, góp một phần công sức nhỏ bé lưu giữ bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Nhằm khuyến khích, động viên các gia đình, dòng họ tổ chức rước, TX Quảng Yên đã hỗ trợ mỗi đám rước tập thể 50 triệu đồng và mỗi đám rước cá nhân là 25 triệu đồng”.

Lễ hội góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Lễ hội góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Việc duy trì tổ chức Lễ hội không chỉ là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn các vị Tiên Công, những người đầu tiên quai đê lập làng, mà còn là dịp con cháu báo hiếu cha mẹ, qua đó giáo dục cho các thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; để cùng nhau lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại.

Lễ hội Tiên Công, Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, được người dân vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, gìn giữ nhằm tưởng nhớ các vị Tiên công, những người đầu tiên quai đê, lấn biển lập làng ở vùng này. Lễ hội bắt đầu được tổ chức từ thế kỷ XVII, gắn với lịch sử hình thành vùng đảo Hà Nam và mang đậm bản sắc văn hóa cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng. Năm 1434, vua Lê có chủ trương di dân ra các vùng hẻo lánh để khai hoang. Vì vậy, 17 vị Tiên Công từ vùng đất Thăng Long xuôi theo dòng sông Chanh để cắm sào tìm đất và khi dừng chân tại đây nghe thấy tiếng ếch kêu. Có ếch là có nước ngọt và từ đó các cụ khai hoang, lập làng ở đây.