Rớt nước mắt đọc thư cầu cứu của cậu bé ôm di ảnh đòi nợ lương cho cha

(PLO) - Dù anh Hiệp đã qua đời cách đây 3 năm, thế nhưng gia đình anh vẫn chưa nhận được hết khoản lương và bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp còn nợ. Quá đau xót, con trai anh đã viết đơn cầu cứu gửi báo Pháp luật Việt Nam mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết chế độ cho cha.

Người chết đã 3 năm, nợ lương vẫn còn đó

Báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn cầu cứu của cháu Nguyễn Quang Hưng (14 tuổi, con trai anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1978, công nhân xưởng phân đúc tại Cty TNHH Công nghiệp Nhôm Thành Long) , trú tại xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng) với nội dung như sau:

“Bố cháu là công nhân Công ty TNHH CN Nhôm Thành Long. Ngày 15/11/2015, bố cháu không may mắc bệnh hiểm nghèo mất. Và đã hơn 3 năm nay mà công ty vẫn không trả lương cũng như các khoản tiền khác cho bố cháu, để cho hai mẹ con cháu bơ vơ, mất đi trụ cột trong gia đình, mẹ cháu thì không công ăn việc làm ổn đinh, cháu thì đang tuổi đi học.

Gia đình cháu hiện giờ rất khó khăn. Nay cháu viết đơn cầu cứu này gửi đến các cô chú. Kính mong các cô chú làm báo đưa tiếng nói của cháu tới các cơ quan chức năng, để sớm giải quyết cho trường hợp của bố cháu. Cháu xin chân thành cảm ơn các cô chú”.

Thư của cháu Nguyễn Quang Hưng gửi báo Pháp luật Việt Nam
Thư của cháu Nguyễn Quang Hưng gửi báo Pháp luật Việt Nam

Quả thật, khi đọc những dòng thư này, không ai có thể kìm được nước mắt. Báo Pháp luật Việt Nam xin chuyển nội dung bức thư này tới Cty TNHH Công nghiệp Nhôm Thành Long, các cơ quan chức năng TP Hải Phòng để nhận được câu trả lời sớm nhất.

Trước đó, năm 2017, báo Pháp luật Việt Nam có đăng tải bài viết: “Công ty “con cháu” của Vinashin nợ tiền bảo hiểm 20 tỷ đồng” phản ánh việc công ty TNHH Công nghiệp Nhôm Thành Long (trụ sở tại số 215A, đường 208, xã An Đồng, huyện An Dương) nợ lương và bảo hiểm của người lao động trong suốt gần chục năm qua với số tiền lên đến 20 tỷ đồng.

Công ty TNHH Công nghiệp Nhôm Thành Long là công ty con của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy (Vinashin) nay là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) góp vốn thành lập.

Theo đơn kiến nghị của đại diện 300 công nhân tại doanh nghiệp này, tính đến thời điểm năm 2016, các công nhân mới chỉ được doanh nghiệp đóng BHXH cho tới hết năm 2008. Từ đó trở đi, mặc dù tiền lương hàng tháng của công nhân bị trừ một khoản đóng BHXH nhưng thực tế, khoản tiền này không được nộp về cơ quan BHXH.

Không được đóng BHXH, từ 2011 đến 2016, toàn bộ công nhân cũng không được mua BHYT. Ngoài khoản nợ BHXH, hàng trăm lao động còn điêu đứng vì khoản lương đã đổ mồ hôi công sức trong nhiều năm trời cũng có nguy cơ “không cánh mà bay”. Trong đó, vô số người lao động bị nợ lương ở mức 100 triệu/người. 

Cháu Hưng mang di ảnh của cha đến doanh nghiệp đòi nợ
Cháu Hưng mang di ảnh của cha đến doanh nghiệp đòi nợ
Trong hàng trăm các công nhân bị nợ lương, phải kể đến trường hợp anh Nguyễn Văn Hiệp (SN 1978) mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời 3 năm nay mà vẫn chưa được doanh nghiệp giải quyết dứt điểm chế độ tử tuất và khoản nợ lương. Tại cuộc trao đổi giữa doanh nghiệp và người lao động ngày 26/7/2017, cháu Nguyễn Quang Hưng (con trai anh Hiệp) ôm di ảnh của cha tới để đòi hỏi quyền lợi đáng lẽ gia đình cháu đã được hưởng từ lâu. Vậy nhưng đến nay, gần 28 triệu đồng tiền nợ lương và bảo hiểm của anh Hiệp cũng chưa được giải quyết. Sau nhiều năm, nỗ lực đòi nợ của gần 300 công nhân cũng có nguy cơ bị “chìm xuồng”. 

20 tỷ đồng có nguy cơ bị mất trắng?

Theo tố giác của công nhân, hiện công ty TNHH CN Nhôm Thành Long đã bán dây chuyền sản xuất và toàn bộ nhà máy cho doanh nghiệp khác. Thế nhưng, tổng số nợ lương là hơn 7 tỷ đồng, nợ chế độ cũng như sổ bảo hiểm xã hội là gần 13 tỷ đồng có nguy cơ bị mất trắng. Lời hứa của ông Tạ Duy Sơn, Giám đốc công ty TNHH Công nghiệp Nhôm Thành Long tại hội nghị nói trên về việc thanh toán sớm nhất tiền lương cho công nhân đã rơi vào quên lãng. 

Gần 300 lao động với khoản nợ 20 tỷ đồng có nguy cơ rơi vào quên lãng
Gần 300 lao động với khoản nợ 20 tỷ đồng có nguy cơ rơi vào quên lãng

Nhiều năm qua, dù đã “đâm đơn” đi khá nhiều nơi nhưng câu trả lời mà những công nhân ở đây nhận được là… đã chuyển đơn hoặc đang điều tra, xác minh. Cụ thể, sau khi nhận được kiến nghị của công nhân, tháng 6/2017, Sở Lao động – Thương binh & xã hội TP Hải Phòng đã chuyển đơn đến Giám đốc Cty TNHH Nhôm Thành Long xem xét, giải quyết.

Tháng 4/2018, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam gửi công văn đề nghị Ban thường vụ Công đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam xem xét, giải quyết đơn theo thẩm quyền. Gần đây nhất, tháng 5/2018, Bộ GTVT đã có công văn chuyển đơn kiến nghị của người lao động đến Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy để xem xét, giải quyết. 

Ông Tạ Duy Sơn (ngoài cùng bên phải) nhiều lần hứa trả lương cho công nhân sớm nhất
Ông Tạ Duy Sơn (ngoài cùng bên phải) nhiều lần hứa trả lương cho công nhân sớm nhất 

Được biết, tháng 6/2018, các công nhân tiếp tục gửi đơn đến Công an huyện An Dương (TP Hải Phòng) tố cáo hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của ông Tạ Duy Sơn, Giám đốc Cty TNHH Công nghiệp Nhôm Thành Long. Hiện, cơ quan công an cũng đang tiến hành điều tra, xác minh sự việc.

Theo quy định của Luật BHXH 2014, từ năm 2018, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế có thể bị khởi tố, xử lý hình sự. Với khoản nợ BHXH lên đến 13 tỷ đồng suốt những năm qua, rõ ràng, cơ quan bảo hiểm xã hội TP Hải Phòng với các cơ quan liên ngành có thể xem xét, củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan điều tra, xử lý hình sự đối với Cty TNHH Nhôm Thành Long.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm