Rủi ro lớn từ dịch vụ vay không thế chấp

(PLO) - Thủ tục vay tiền nhanh, không cần thế chấp tài sản, số tiền được vay cao... là những ưu điểm nổi trội của hình thức cho vay không thế chấp. Tuy nhiên, song song với các “thế mạnh” trên, người vay tiền nếu không cẩn thận sẽ bị rơi vào “bẫy” của một số công ty “ma” chuyên “núp bóng” cho vay tiền hòng lừa gạt người nhẹ dạ cả tin.
Những tờ rơi được dán lên cột điện, tường... nơi công cộng, đông dân cư.
Những tờ rơi được dán lên cột điện, tường... nơi công cộng, đông dân cư.
Chỉ cần vào google, gõ cụm từ “cho vay không thế chấp”, trong vòng 0,3s đã cho ra gần 9 triệu kết quả. Thực tế cho thấy, dịch vụ này đang nở rộ và rất phát triển. Không những các trang mạng mà trên khắp các trục đường, các cột điện công cộng, tờ rơi được dán đầy với những lời quảng cáo cho vay tiền và số điện thoại liên hệ trực tiếp.
Loạn cho vay không thế chấp
Liên hệ với số điện thoại 0968 377 *** để được làm thủ tục vay tiền, tôi đến trụ sở một công ty tại phố Ngô Quyền (Hàng Bài – Hoàn Kiếm). Công ty này giới thiệu cho vay tiền 100% từ vốn nước ngoài, gặng hỏi mãi, một nhân viên tên Mai A. mới cho biết: “Chủ yếu là Ngân hàng A. đổ vốn, ngoài ra công ty còn liên hệ với ngân hàng T… để được hỗ trợ vốn”. 
Điều kiện được vay tiền chỉ cần có bảo hiểm nhân thọ hoặc có mức lương trên 3 triệu đồng là được vay. Tại đây, khoản vay tối đa lên đến 300 triệu đồng. Thủ tục được xử lí nhanh, người vay có thể vay tiền trong thời gian sớm nhất. Lãi suất dao động từ 1,1 – 2%/tháng. Nguồn tiền cho vay 100% từ ngân hàng quốc tế, giải ngân trong 24 giờ.
Nhân viên Mai A. chia sẻ thêm: “Nếu không chứng minh được tài chính thì bên em không thể cho vay được vì uy tín luôn đặt lên hàng đầu. Nếu chị vẫn muốn vay thì có thể nhờ người có bảo hiểm nhân thọ hoặc người đã đi làm, hưởng lương hàng tháng từ 3 triệu trở lên vay hộ, công ty sẽ rút tiền cho chị vay. Mức vay càng nhiều, lãi suất càng thấp”.
Hiện trên thị trường có nhiều loại hình cho vay không thế chấp, chẳng hạn như cho vay lãi “nằm” và lấy bát họ. Hình thức cho vay kiểu lấy bát họ lãi sẽ cao hơn rất nhiều so với vay lãi “nằm” vì người vay sẽ dễ dàng trả hết nợ nhanh. Tuy nhiên, cả hai hình thức này người vay vẫn phải viết giấy vay nợ và để lại giấy tờ tùy thân photo có công chứng. Nếu hình thức vay lãi có thế chấp lãi chỉ 3 nghìn đồng/1 triệu đồng/1 ngày thì hình thức vay không thế chấp tiền lãi cao hơn, thấp nhất là 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/1 ngày, nhiều nơi lên đến 6 – 7 nghìn đồng/1 triệu đồng/1 ngày.
Chính vì vậy mà nhiều người đang rất cần tiền, muốn vay đều tìm đến những cơ sở cho vay để hoàn thành nốt công việc mà mình dự định. Những nơi cho vay không thế chấp chủ yếu đều là những công ty có vốn đầu tư từ ngân hàng quốc tế; một số nơi là do người dân đứng lên lén lút cho nhau vay. Mặc dù “thuận mua vừa bán”, điều kiện cho vay khá rõ ràng nhưng nhiều người vay vẫn bị các công ty dùng đủ chiêu trò hòng “rút tiền” một cách trắng trợn, lãi đã cao mà vẫn mất phí vay.
Lợi bất cập hại
Anh Phạm Bá Th. (Thụy Phương – Hà Nội) cho biết: “Cái được của vay tiền không cần thế chấp là các công ty cho vay duyệt tiền nhanh, vay bao nhiêu cũng được, các khoản vay từ 10 – 300 triệu thì rất “OK”. Tuy nhiên trước khi vay, cần xem xét kỹ công ty cho vay tiền có nợ xấu hay không, lịch sử cho vay có gì không ổn. Vì trước kia, tôi có vay không thế chấp tại một công ty, ngoài phải viết giấy vay nợ, để lại chứng minh nhân dân photo và địa chỉ nơi đang làm việc, tôi còn mất khoản phí gần 3 triệu đồng cho công ty để được vay khoản tiền 15 triệu đồng, họ gọi đó là phí để được vay”.
Những khoản phí “trên trời” tự dưng được “đặt vào cổ” của người đi vay. “Phí này để chắc chắn người vay có vay hay không, sau đó ngân hàng mới xuất tiền. Nếu hồ sơ đã duyệt, người vay lại không muốn vay nữa thì coi như mất hết phí đã đóng trước đó, vì đã phá hợp đồng vay nợ” - một nhân viên cho vay không thế chấp tại trang web vaytien... trả lời trên đường dây nóng 0934.115.*** khi được hỏi.
Chắc hẳn người dân vẫn chưa quên được vụ Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tân Huỳnh Gia (quận 9 – TP. Hồ Chí Minh) từng cho vay tín chấp và thế chấp với phí từ 3 – 5 triệu đồng/hồ sơ. Sau đó người vay vừa không được vay tiền, vừa không được hoàn lại phí duyệt hồ sơ. Sự việc trên diễn ra từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2013 mới tạm lắng xuống. Nó cũng là một bài học nhắc nhở người đi vay không nên vội vàng, chưa tìm hiểu kỹ nơi nào nên vay, nơi nào không nên vay đã vội vàng đặt niềm tin vào đó.
Gia đình nhà cô Đồng Thị H. (Thủy Nguyên – Hải Phòng) trước kia từng chơi hụi, khi có nhiều tiền, cô H. cho người dân vay nóng theo hình thức không cần thế chấp. Khi vốn gần hết, cô đi vay chỗ này lãi thấp rồi cho người khác vay lại với mức lãi cao hơn, cứ thế luân chuyển. Một thời gian, công ty của chồng cô phá sản, những người cho cô vay sợ mất tiền đến nhà siết nợ, trong khi các “con nợ” lại ôm nợ chạy mất. “Không còn cách nào khác, tôi đành phải bán đất, bán xe, bán hết các đồ có giá trị trong nhà để trả nợ. Còn tiền người ta vay của tôi vẫn chưa thấy tăm hơi đâu” – trường hợp của cô H. không phải hiếm nhưng nó cũng phần nào nói lên sự rắc rối, tính chất “ma mị” trong hoạt động “bắt tiền đẻ ra tiền”  này.
Không chỉ dừng lại ở đó, người vay tiền còn toát mồ hôi hột với cách thức tính lãi tại các công ty cho vay tiền. Ai có thu nhập hàng tháng càng cao, lãi suất cho vay lại càng thấp; ngược lại, hầu hết những người có thu nhập thấp mong muốn được vay thì lại bị tính lãi rất cao.

Đọc thêm