Sách không bị lãng quên trong kỉ nguyên số
Từng có thời điểm nhiều người đã tỏ ra lo ngại rằng sự bùng nổ của các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới văn hóa đọc, con người sẽ có xu hướng chuyển sang nghe, nhìn nhiều hơn. Mạng xã hội là một thế giới quá rộng lớn chứa đựng rất nhiều thú vui. Người ta có thể tìm thấy trên mạng bất cứ điều gì, từ thưởng thức âm nhạc, hội họa, phim ảnh, đến các thú vui mới như gameshow, game giải trí, các chương trình trực tuyến... Đặc biệt, ở kỉ nguyên số, tốc độ số hóa nhanh chóng, con người có thể thực hiện các chuyến du hành qua mạng, có thể tham quan các hoạt động bảo tàng, triển lãm, tương tác với các sự kiện lớn nhỏ... Chính vì thế, có một thời điểm sách đã dần mất đi vị thế “độc tôn” của mình, có thời khắc bị đẩy lùi, lãng quên.
Nhưng rồi thời gian trôi qua, đặc biệt sau những biến động mạnh mẽ của thế giới do COVID-19 đem đến, dường như có một cuộc quay trở về với sách và văn hóa đọc.
Thời gian đã chứng minh, sự phát triển của kỉ nguyên số không chỉ là thách thức mà còn là một cơ hội bằng vàng để toàn bộ ngành sách có sự nhận diện thấu đáo, đưa ra những đổi thay nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số. Nói một cách khác, công nghệ thông tin, kĩ thuật số chính là một nền tảng, là cơ sở hạ tầng để ngành sách phát triển trong kỉ nguyên số.
Ở thời đại số hóa, nói đến “sách”, người ta không chỉ gói gọn trong những ấn bản sách in, sách giấy truyền thống. Giờ đây, những gì được coi là “sách” bao gồm cả sách truyền thống lẫn những ấn bản phát hành trên môi trường mạng, như sách nói (audio book), sách tương tác, sách thực tế ảo và sách điện tử (e-book)... Giờ đây, văn hóa đọc đang được phát triển song song ở cả mảng sách in và sách số.
Trong sự phát triển trở lại của ngành sách, của văn hóa đọc, cũng phải kể đến “công lao” của những người làm sách. Cực kì nhanh nhạy với thời cuộc, những năm qua, các nhà xuất bản, phát hành đã vừa nâng cấp chất lượng, nội dung sách in, vừa nhanh chóng tham gia vào thị trường sách số.
Thành tựu của sự nỗ lực này là năm 2022, ngành xuất bản đã đạt được tất cả các chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước đều tăng bất ngờ. Tính đến hết ngày 31/12/2022, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 38.029 xuất bản phẩm (tăng 15,42% so với năm 2021) với 598.938.423 bản (tăng 49,5%). Trong đó xuất bản phẩm dạng sách in đạt 32.645 cuốn (tăng 11,5%), với 539.937.271 bản (tăng 54,2%); xuất bản phẩm dạng điện tử là 3.350 xuất bản phẩm (tăng 45,6%), với ước tính khoảng 32.500.000 bản (tăng 30%). Xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại...) đạt 2.034 xuất bản phẩm (tăng 48%), với 26.501.152 bản (tăng 3,4%).
Tổng doanh thu toàn ngành đạt 3.994 tỷ đồng (tăng 33,3% so với năm 2021), nộp ngân sách 414.842 tỉ đồng và lợi nhuận (sau thuế) đạt 429.483 tỉ đồng... Trong đó có 5 NXB có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6,02 bản sách/người/năm. Đó là mục tiêu mà Ban Bí thư đặt ra cho ngành xuất bản từ năm 2010 nhưng không thể thực hiện được trong nhiều năm.
Đó là một thành tựu đáng nể của ngành sách. Nhưng thành tựu ấy không phải tự nhiên, may mắn mà có. Và để duy trì “phong độ” trong kỉ nguyên số, những nhà quản lý, những người làm sách còn rất nhiều thứ phải nỗ lực, nhiều điều cần thực hiện.
Từ nhiều năm nay, ebook là lựa chọn của nhiều người trẻ trong văn hóa đọc. (Ảnh minh họa) |
Nhanh nhạy để phát triển trong kỉ nguyên số
Xu thế đọc sách ngày nay cũng phát triển rất đa dạng, tùy vào sở thích, lựa chọn của mỗi người. Có người vẫn chọn sách in như một cách đọc thân quen, nhiều cảm xúc. Còn một bộ phận lớn giới trẻ lựa chọn sách số như một xu thế của thời đại. Bên cạnh sự tiện dụng, ấn phẩm sách số có chi phí thấp, phù hợp với những đối tượng có thu nhập hạn chế. Không những thế, người ta còn có thể dễ dàng lưu giữ và bảo quản ấn phẩm trong thời gian dài mà chất lượng không đổi thông qua giao thức mạng internet và bộ nhớ. Chỉ với một chiếc ebook hay máy tính bảng, mỗi người có thể lưu giữ hàng nghìn quyển sách từ đương đại cho đến hàng thế kỉ trước - điều không thể làm được với sách giấy. Bên cạnh đó, ưu thế nổi bật của các hình thức đọc này còn thể hiện ở khả năng tương tác. Độc giả không chỉ đơn thuần tiếp cận tri thức qua sách mà còn có thể trao đổi thông tin với tác giả, bạn bè và người đọc khác có cùng mối quan tâm thông qua mạng xã hội. Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, sách số là xu thế tất yếu và việc khai thác tiện ích của công nghệ đem đến tác động tích cực cho cả độc giả lẫn văn hóa đọc.
Có thể nói, giờ đây quan niệm về sách và văn hóa đọc cần thiết phải có những thay đổi để phù hợp với thời đại. Nhiều người đã nhìn nhận rõ ràng rằng, công nghệ không lấn át hay triệt tiêu văn hóa đọc mà nó còn là “cánh cửa” mở ra một thời đại mới cho văn hóa đọc lên ngôi, theo hình thức khác.
Nhận thức được điều này, những năm qua, đã có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đang tích cực tham gia vào việc phát triển văn hóa đọc dựa vào ứng dụng công nghệ.
Ngoài việc những nhà làm sách tham gia vào thị trường sách số một cách sáng tạo và tích cực, sử dụng mạng xã hội như một công cụ hiệu quả nhằm tiếp thị, truyền thông, quảng bá đến bạn đọc. Cạnh đó, nhiều trường học, địa phương đã phát triển hiệu quả mô hình thư viện số. Còn có những dự án số hóa sách lớn nhỏ, do các đơn vị nhà nước và tư nhân thực hiện.
Sách trong kỉ nguyên số có rất nhiều tiềm năng để phát triển rực rỡ, nhưng tất nhiên cũng tồn tại không ít “điểm nghẽn”. Một số từ sự chưa bắt nhịp kịp thời với xu thế sách số thế giới, mà cũng không ít đến từ những yếu tố khách quan do nền tảng kĩ thuật số của nước ta chưa thực sự vững, nhận thức của người dùng còn hạn chế.
Một trong những khó khăn của xuất bản điện tử là xây dựng đội ngũ làm sách số chuyên nghiệp với các bộ phận như chuyên gia về nội dung, công nghệ, phân phối... Cạnh đó, tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan trên mạng xã hội cũng đang là một rào cản không nhỏ cho việc phát triển ngành sách trong thời đại số.
Khó khăn, thách thức là điều tất yếu. Nhưng đó cũng chỉ là những rào cản nhỏ trong tiến trình phát triển của ngành sách trong kỉ nguyên số. Trên hết, thời đại 4.0 vẫn đang đem đến cho thị trường xuất bản trong nước những cơ hội “bằng vàng” để đổi thay và phát triển, nếu kịp thời bắt nhịp.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, chuyển đổi số tạo ra sự đa dạng hóa hình thức sản phẩm xuất bản, sự thay đổi về các mô thức xuất bản và thị trường xuất bản tiến tới câu chuyện không biên giới, mờ biên giới. Khi quá trình xuất bản, phát hành sách diễn ra trên một nền tảng số xuyên quốc gia thì biên giới địa lý với đội ngũ tác giả không còn là vấn đề lớn nữa. Đang xuất hiện nhiều mô típ khác nhau như tự xuất bản, tự phát hành, nhà xuất bản số...
Theo ông Nguyễn Nguyên, quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản nói riêng gồm 4 giai đoạn chính: Giai đoạn số hóa dữ liệu; Triển khai ứng dụng trên các nền tảng ở một số hoạt động đơn giản hoặc có tính lặp đi lặp lại như hoạt động hành chính, kế toán tại các đơn vị doanh nghiệp; Ứng dụng các nền tảng vào quy trình xuất bản, từ khâu quản lý, biên tập đến phát hành, phát triển thị trường, truyền thông; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của các quy trình này. Hiện nay, đầu tư bên ngoài vào lĩnh vực xuất bản đã bắt đầu, tuy chưa nhiều nhưng ông Nguyễn Nguyên cho rằng quá trình chuyển đổi số sẽ giúp ngành Xuất bản trở thành một ngành kinh tế thực sự mạnh và từ đó đón nhận những nguồn đầu tư từ các nguồn lực khác nhau.