Theo ông Quang, do UBND thị trấn Lăng Cô đã lập biên bản, ra quyết định không đúng về việc ông xây dựng nhà trái phép nên ông mới mất quyền lợi.
Giá thị trường 10 triệu, giá đền bù 23,3 ngàn đồng
Được biết, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô có diện tích đất sử dụng khoảng 111 ha với tổng mức đầu tư trên 7.728 tỷ đồng, bao gồm hệ thống khách sạn, khu resort, trung tâm hội nghị và các dịch vụ bổ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao.
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động vào quý I/2024, trong đó giai đoạn I của dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động cuối năm 2019 với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn tất.
Trong đơn kêu cứu của ông Quang gửi Báo PLVN, nhiều đời trước đây của gia đình ông đã có 2ha đất (đất ở 8000m2, đất vườn 12000m2) nằm tại thôn Lập An, thị trấn Lăng Cô. Mảnh đất này có trích lục gốc do chế độ cũ cấp năm 1936 và được gia đình ông sử dụng ổn định từ trước đến nay, không có tranh chấp. Bên trong mảnh đất còn có căn nhà được dựng hơn cả thế kỷ về trước với nhiều lần sửa chữa vì xuống cấp và không hề cơi nới.
Ông Quang có 7 anh chị em (3 trai, 4 gái). Gia đình ông trồng tràm, bạch đàn, sắn nhưng hiệu quả kinh tế thấp. “Tôi học Bách khoa, ra trường theo công trình sau đó mở phòng răng cũng kiếm được số vốn. Với đam mê trồng trọt, chăn nuôi, và cũng theo tâm niệm của bố nên từ tháng 10/2013, tôi đầu tư vào khu vườn 2ha của gia đình mình.
Vốn đầu tư gồm giống cây, thuê nhân công, mua thiết bị tưới tiêu, nuôi cá, gà, ếch, khỉ… lên tới 3,6 tỷ đồng. Khi tôi làm vườn dự án này chưa có, chính quyền cũng không nói gì, thậm chí còn nêu gương, mô hình làm ăn mới. Thế mà dự án du lịch với 100% vốn đầu tư nước ngoài mở ra lại đền bù cho tôi với giá quá thấp, không tương xứng với giá trị tôi đã đầu tư”, ông Quang chia sẻ.
Theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ thiệt hại của UBND huyện Phú Lộc cho gia đình ông Quang, 1m2 đất có giá 23,3 nghìn đồng, trong khi giá thực tế 1m2 đất ở Lăng Cô tầm 10 triệu đồng. Đối với cây trồng, khu vườn toàn trồng những cây cao sản như dừa Xiêm lùn, cau lùn, xoài ghép… Đây đều là cây thân nhỏ, lùn nhưng hiệu quả kinh tế rất cao.
“Mỗi tháng việc trồng, chăm sóc vườn cây đã tốn 10 triệu (hai nhân công lương 6 triệu, 1 người trực ban đêm 1 triệu, tiền điện 3 triệu). Như vậy, 5 năm qua, tiền đầu tư vào cây trồng, chưa kể giống cũng như hệ thống tự tưới đã tốn 600 triệu đồng nhưng theo phương án đền bù hỗ trợ thì tiền cây của gia đình được nhận chưa tới 300 triệu.
Loại dừa lùn cao 1m đã cho quả, mỗi quả bán 40 nghìn, hơn 300 cây của tôi nếu để đến cuối năm này thu hoạch không dưới 300 triệu đồng. Dừa lùn mà đền bù dựa trên chiều cao thì quá thiệt thòi cho tôi. Hoặc như, cây mãng cầu ghép Thái Lan, hiện tại giống này bán ở Huế đã 65 nghìn, cây nhà tôi đã có quả (2 trái 1 kg) thế mà đền bù cây chỉ 12 nghìn/1 cây.
|
Ông Quang cho rằng việc bồi thường của Minh Viễn Lăng Cô là bất hợp lý, sai luật |
Dự án du lịch thúc đẩy kinh tế của tỉnh nhà, tôi đồng tình nhưng áp giá đền bù máy móc như thế này thì những nông dân như chúng tôi thua lỗ nặng nề”, ông Quang nói.
Lập quyết định giả nhằm né bồi thường?
Ngày 7/5/2018, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc ra Thông báo số 208/TB-PTQĐ về phương án bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản cho hộ gia đình bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn.
Thế nhưng nhà, hồ cá của ông Nguyễn Văn Quang lại không được bồi thường, hỗ trợ với lý do UBND thị trấn Lăng Cô đã ban hành Quyết định cưỡng chế phá vỡ công trình trên đất không được phép xây dựng. Vì điều này khiến gia đình ông Quang bức xúc, khiếu nại, nhiều nơi.
Theo ông Quang, từ trước đến ngày 7/5/2018, (khi nhận thông báo của Trung tâm phát triển quỹ đất Phú Lộc) gia đình không hề biết gì về biên bản, quyết định của UBND thị trấn Lăng Cô về việc vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công công trình vi phạm.
Sau đó, ông Quang mới tìm hiểu, hóa ra ngày 29/12/2014 UBND thị trấn đã lập biên bản và ra quyết định đình chỉ thi công. Đến ngày 8/1/2015, UBND thị trấn này ra Quyết định 03/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm của gia đình ông Quang.
“Theo tôi đây chỉ là biên bản, quyết định giả tạo nhằm không thực hiện bồi thường cho gia đình tôi. Thứ nhất, trong ngày 29/12/2014 tôi không hề làm công trình gì cả. Thứ hai, trong biên bản vi phạm hành chính ngày 29/12/2014 không hề có số biên bản, không có chữ ký của tôi. Trong ba người lập biên bản thì có tới hai người đã thừa nhận không có mặt ở hiện trường.
Trong biên bản này có nêu: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, ông Nguyễn Văn Quang không thực hiện các yêu cầu nêu trên thì bị đình chỉ thi công xây dựng công trình”. Thế nhưng, điều lạ là ngay trong ngày ông Chủ tịch thị trấn đã ban hành Quyết định 205/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công. Nếu tính 24 giờ kể từ khi lập biên bản, muốn ra quyết định phải sau ngày 30/12 mới ban hành được chứ”, ông Quang lập luận.
Cũng theo ông Quang, quyết định đình chỉ của thị trấn có nêu rõ: Chủ nhiệm HTX điện, nước thị trấn Lăng Cô chịu trách nhiệm dừng ngay việc cấp điện, nước; Trưởng Công an thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng cấm phương tiện chở vật tư, vật liệu. Sau ba ngày kể từ ngày ban hành quyết định nếu ông Nguyễn Văn Quang không tự phá dỡ công trình thì thi hành cưỡng chế phá dỡ.
“Đến bây giờ đã là tháng 4/2019, tôi vẫn ở trên căn nhà này, điện nước vẫn dùng, có ai cưỡng chế gì đâu. Nếu thật sự trước đó họ lập biên bản, quyết định thật thì tôi làm sao có thể còn ngồi ở đây. Nếu biên bản, quyết định trên của UBND thị trấn Lăng Cô không có giá trị thì tiền đền bù của tôi sẽ được tăng lên. Chúng tôi xây nhà từ xưa, rồi tốn quá nhiều công sức sửa sang, tại sao không nhận được tiền đền bù? Mong các cấp có liên quan vào cuộc để lấy lại sự công bằng cho gia đình chúng tôi”.
Cán bộ thừa nhận “ký khống”
Trao đổi với PLVN, bà Võ Thị Trâm Anh (công chức địa chính thị trấn Lăng Cô) cho biết, cán bộ địa chính thị trấn gồm 3 người (2 công chức, 1 hợp đồng tên Phạm Văn Hồng). “Trong biên bản ngày 29/12/2014 lập vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công của anh Nguyễn Văn Quang, tôi không tới hiện trường mà chú Hồng lập rồi đưa tôi ký vào”, chị Trâm Anh thừa nhận.
Biên bản không có số, người lập không có mặt tại hiện trường liệu có giá trị không? Ngoài ra theo tìm hiểu, ông Hồng là cán bộ hợp đồng, không được đóng bảo hiểm. Mới đây vào tháng 3/2019, ông này đã viết đơn xin nghỉ việc.
Ông Dương Đăng Trung (Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô) chia sẻ, ông Quang đã khởi kiện Chủ tịch UBND thị trấn, công chức địa chính Trâm Anh và ông Phạm Văn Hồng ra Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc, tòa đã thông báo đã thụ lý tức khởi kiện hành vi hành chính được chấp nhận. “Khởi kiện là quyền của công nhân nếu Nhà nước sai thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm”, ông Trung nói.
Người ra quyết định đình chỉ, quyết định cưỡng chế với ông Quang trước là Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô hiện đang là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn, ông Trần Văn Giảng. Ông Giảng cho rằng: “Do anh em “tham mưu trật” nên biên bản với quyết định đình chỉ bị trùng ngày. Không có chuyện trong một ngày ra văn bản rồi lại ra quyết định. Cái này là do anh em tham mưu.
Chúng tôi có kiểm tra lập biên bản rồi ra quyết định nhưng xử lý chưa cương quyết đến nơi mà thôi. Cái gì đúng thì đền bù cho dân nhưng có những cái muốn đền bù không được. Chúng tôi cũng đã cung cấp đầy đủ hồ sơ cho tòa rồi”.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc), cho biết, đã biết sự việc trên và đang chờ tòa rồi sẽ xử lý. “Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng cho dự án du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô còn 4,5ha/111ha chưa nhận tiền đền bù. Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Quang chiếm 2ha. Sắp tới huyện sẽ tiếp tục đối thoại với các hộ dân để nhà đầu tư sớm triển khai dự án”.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc.