Về việc thông qua chủ trương đầu tư, dự án được Hội đồng thẩm định của PVN thẩm định có tổng mức đầu tư 31.505,4 tỉ tại thời điểm quý II/2010, trong đó vốn chủ sở hữu 30% (trước ngày 1/8/2010).
Đây là dự án công trình quan trọng quốc gia, thẩm quyền Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư. Do đó việc PVN và Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng quy đổi tổng mức đầu tư dự án về mặt bằng giá năm 2006 là 18.496,5 tỉ để không trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và kiến nghị Thủ tướng giao HĐQT PVN quyết định đầu tư dự án là không đúng với Nghị quyết 66 của Quốc hội.
Về thẩm định, phê duyệt, trước ngày 1/8/2010, đây là dự án, công trình quan trọng quốc gia, do đó thẩm quyền thẩm định phê duyệt, quyết định đầu tư dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, trong khi dự án chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, HĐQT PVN căn cứ Công văn 800/TTg-KTN do Phó Thủ tướng ký và hồ sơ thẩm định dự án của PVN để phê duyệt quyết định đầu tư dự án là không đúng quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và Luật Xây dựng 2003.
TTCP kết luận, trách nhiệm để xảy ra những vi phạm này thuộc PVN, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và quyết định phê duyệt đầu tư dự án.
Theo TTCP, quá trình thực hiện trình tự thủ tục điều chỉnh dự án lần 1, PVN chưa báo cáo Thủ tướng nhưng PVN đã thẩm định và quyết định điều chỉnh dự án với TMĐT hơn 34.295,1 tỷ đồng, là thực hiện không đúng quy định tại Nghị định 12/2009/NĐ-CP. Với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2, quá trình thực hiện cũng không đúng với quyết định của Thủ tướng, nên việc điều chỉnh này cũng không đúng quy định.
Theo TTCP, mặc dù chưa xác định các điều kiện để được chỉ định thầu với gói thầu EPC Dự án theo quy định pháp luật; nhưng PVN đã đề xuất, được Bộ Công Thương đồng ý, trình Thủ tướng xem xét, ủy quyền cho HĐQT PVN quyết định việc chỉ định thầu dự án.
PVC chỉ thực hiện xây dựng công trình dân dụng, hạ tầng, tuyến ống dẫn khí và thi công một số hạng mục của một số nhà máy nhiệt điện; chưa làm Tổng thầu EPC các dự án lớn tương tự như dự án NMNĐ Thái Bình 2; hồ sơ năng lực của PVC chưa đáp ứng hồ sơ yêu cầu để thực hiện gói thầu EPC; nhưng PVN vẫn chỉ định PVC làm tổng thầu EPC.
Sau khi ký kết hợp đồng Tổng thầu EPC, PVC đã thực hiện không đúng cam kết, là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dự án chậm tiến độ, phát sinh tăng chi phí, trong đó có chi phí trả lãi tiền vay từ 2016 đến 2019 là 81,867 triệu USD.
Việc chỉ định PVC làm Tổng thầu EPC Dự án như trên là không đúng quy định tại Điều 20 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 và điểm e khoản 3 Điều 40 Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009.
TTCP kết luận: Trách nhiệm thuộc PVN, PVC, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và quyết định chỉ định PVC là Tổng thầu Dự án NMNĐ Thái Bình 2.
Trước những sai phạm nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có những vi phạm, khuyết điểm nêu tại KLTT.
Đồng thời, TTCP cho biết đã chuyển KLTT đến Uỷ ban Kiểm tra TW để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu tại KLTT.