Nhiều lãnh đạo phải chịu trách nhiệm
Trao đổi với PLVN, một cán bộ của VEAM đề nghị ẩn danh cho biết, có tới hàng trăm sai phạm của 4 đời Tổng Giám đốc (TGĐ) đã được nêu ra trong Kết luận thanh tra (KLTT) mới đây của Bộ Công Thương, nhưng không thấy nhắc đến việc các TGĐ này đã làm được những gì cho VEAM. Từ số vốn điều lệ nhỏ nhoi, khoảng 200 tỷ, hiện nay, con số này VEAM đã lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, lãi hàng năm 5.000 - 6.000 tỷ đồng.
Bàn về những sai phạm liên quan đến Nhà máy VEAM Motor được đề cập trong KLTT, một cán bộ ở VEAM cho rằng, bất kể một công ty nào thành lập mới cũng cần có kế hoạch lỗ và bù lỗ, số lỗ mà Thanh tra Bộ nêu ra chưa bằng số tiền khấu hao đã tính đến hàng năm. Còn chuyện tồn số lượng xe lớn thì vị này giải thích, đó là số “tồn trong định mức” do VEAM hiện có 100 đại lý cấp 1, mỗi đại lý tồn vài xe; 60 đại lý cấp 2, mỗi đại lý cũng tồn vài xe, cộng lại số lượng sẽ thành lớn.
Trước đó, KLTT của Bộ Công Thương cho rằng, trong giai đoạn từ 2010 đến tháng 6/2018, mặc dù kết quả kinh doanh hợp nhất tại VEAM hàng năm đều có lãi nhưng nguồn thu nhập chủ yếu do lợi nhuận từ các công ty liên doanh mang lại. Các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị thuộc VEAM không đạt hiệu quả. Quá trình quản lý, điều hành tại VEAM và một số đơn vị thành viên còn tồn tại nhiều sai phạm, thiếu sót.
Theo KLTT của Bộ Công Thương, việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác kiểm tra, giám sát thiếu chặt chẽ đối với xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch tài chính hàng năm dẫn đến hoạt động của “Tổng” này và một số đơn vị thành viên nhiều năm không hiệu quả, gây nguy cơ thất thoát vốn nhà nước, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
Cũng theo văn bản trên, rất nhiều đời TGĐ phải chịu trách nhiệm trong các vấn đề liên quan. “Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Thanh Giang (TGĐ 2010-2011), ông Lâm Chí Quang (TGĐ 2011- 015, Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2004- 2011); ông Trần Ngọc Hà (Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2011- 2014, TGĐ 2015-2018); ông Bùi Quang Chuyện (Chủ tịch HĐQT 2015 đến nay)”, KLTT nêu.
VEAM lỗ trong thương vụ nào?
Bộ Công Thương đã chỉ rõ các vụ việc cần phải xem xét trách nhiệm do thua lỗ như: vụ mua 1.500 bộ linh kiện giữa VEAM và Chi nhánh Công ty TNHH Mekong Auto. Đến thời điểm thanh tra, toàn bộ số xe đã lắp đặt của Mekong Auto (540 xe) không thực hiện đăng kiểm được; còn 360 bộ chưa lắp ráp và 600 bộ chưa đến thời điểm giao hàng. Mekong Auto thực hiện không đúng quy định của Hợp đồng trong việc đăng kiểm và bàn giao xe thương mại. VEAM chưa cung cấp kế hoạch tài chính được phê duyệt hàng năm để có cơ sở đánh giá hiệu quả của việc kinh doanh.
Tiếp đó là vụ mua 3.000 bộ linh kiện của Công ty CP Thành Công. Theo KLTT, việc mua 3.000 bộ linh kiện này không có trong Kế hoạch sản xuất kinh doanh của nhà máy, không được phê duyệt của HĐQT/TGĐ theo quy định. Ký kết hợp đồng mua 3.000 bộ linh kiện trên là vượt thẩm quyền được giao; ngoài ra còn không thực hiện việc tham khảo giá và đàm phán giá theo quy định.
Ngoài ra, VEAM còn bị chỉ ra những sai phạm trong quản lý đất đai; cho các đơn vị thành viên vay vốn với mức lãi suất thấp hơn ngân hàng; hồ sơ bổ nhiệm một số trường hợp không đầy đủ theo quy định, không ban hành các quyết định về bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đơn vị phù hợp với mô hình tổ chức mới của VEAM - mô hình công ty mẹ - công ty con…
Liên quan đến các sai phạm tại đây, Bộ Công Thương đã kiến nghị chuyển nhiều vụ việc sang Cơ quan điều tra. Cụ thể, vụ sử dụng nguồn vốn 112,6 tỉ đồng không đúng mục đích từ nguồn vốn chuyển quyền sử dụng đất tại 191 và 193 Bà Triệu (Hà Nội); hệ thống khuôn dập cabin thiệt hại khoảng 26,9 tỉ đồng; việc bảo lãnh vay số tiền 75,8 tỉ đồng tại Công ty CP Vận tải và Thương mại VEAM có dấu hiệu cố ý làm trái; buông lỏng trong công tác quản lý đất đai tại Tổng công ty và một số đơn vị thành viên gây thiệt hại, lãng phí tài sản nhà nước.