Sai phạm trong đền bù, GPMB tại Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô: Chưa đủ căn cứ kết tội bị cáo?

(PLO) - Liên quan đến vụ án trên, bị cáo Nguyễn Hữu Phí bị TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt 1 năm tù cho hưởng án treo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên sau đó TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng việc kết tội bị cáo Phí là chưa đủ căn cứ và tuyên hủy bản án sơ thẩm. 
Thực hiện bắt giam ông Nguyễn Tài, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa tại nhà riêng
Thực hiện bắt giam ông Nguyễn Tài, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa tại nhà riêng

Bản án số 19/2016/HSST ngày 14/9/2014 của TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa Nguyễn Tài cùng nhiều cán bộ cấp dưới về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư DA và ông Nguyễn Hữu Phí (trú tại 323 Bà Triệu, phường 7, TP Tuy Hòa, Phú Yên) đã có hành vi thực hiện không đúng quy định của Nhà nước trong việc đền bù hỗ trợ GPMB. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Phí cho rằng, mình là người dân nên không đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như cáo trạng của VKSND quy kết. 

Phía TAND tỉnh Phú Yên vẫn cho rằng bị cáo Phí cùng với các lãnh đạo huyện Đông Hòa là đồng phạm, thành một thể thống nhất không thể tách rời. Cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Yên truy tố bị cáo Phí và các đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, Điều 165 BLHS là có căn cứ, đúng tội. 

Không chấp nhận cáo buộc trên, ông Nguyễn Hữu Phí đã kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25/9/2018, ông Phí cho rằng, việc xử bị cáo phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước là oan sai vì bị cáo cùng toàn bộ gia đình đã nuôi tôm trên diện tích đất bị thu hồi. Do việc thu hồi không đúng nên bị cáo khiếu nại và được cán bộ hướng dẫn làm thủ tục để được đền bù thì bị cáo làm.

Theo Luật sư Nguyễn Đình Thơ (Văn phòng Luật sư Nguyễn Đình Thơ – Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), bị cáo Phí không đồng phạm vì đang là người có đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản nhưng bị Nhà nước thu hồi. Việc thu hồi đất bị cáo Phí và gia đình chấp hành nghiêm. Việc đền bù không đúng nên bị cáo phải khiếu nại, bị cáo gặp ông Tài để khiếu nại việc đền bù là đúng người có trách nhiệm. 

Ông Phí chỉ làm theo hướng dẫn của cán bộ được giao giải quyết đền bù, hỗ trợ. Số tiền đền bù 3,7 tỷ ông Phí không nhận mà những người thân trong gia đình nhận. Đất nuôi trồng thủy sản của gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích còn lại là do gia đình khai hoang, nhận chuyển nhượng không có tranh chấp. Vì vậy, án sơ thẩm kết tội ông Phí như vậy là hoàn toàn không có căn cứ.

Tại Bản án phúc thẩm số 236/2017/HSPT của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho thấy, ông Nguyễn Hữu Phí có 8 thửa đất nuôi trồng thủy sản với diện tích 62.524m2. Toàn bộ diện tích này đã được UBND xã Hòa Tâm ký hồ sơ quy chủ cho ông Phí vào năm 2013. Như vậy toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản của ông Phí đã được quy chủ. TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã viện dẫn một số quy định để làm rõ hành vi phạm tội của ông Phí như: Điểm a, khoản 2, Điều 16 Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 quy định “Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp đang sử dụng vượt hạng mức thì việc bồi thường đuợc thực hiện như sau: a) Trường hợp diện tích đất vượt hạn mức do được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng từ người khác, tự khai hoang theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyện thì được bồi thường”. 

Đồng thời, khoản 1 và khoản 8 Điều 129 Luật Đất đai 2013 quy định: “1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau: a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác. “8. Diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân do nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều này”. 

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Yên cần phải xác định diện tích đất nuôi trồng thủy sản của ông Phí do Nhà nước giao bao nhiêu, còn bao nhiêu do bị cáo Phí khai hoang sử dụng và nhận chuyển nhượng của những người khác; nếu không được bồi thường thì được hỗ trợ bao nhiêu…và cần phải thu thập hồ sơ nguồn gốc đất sử dụng của bị cáo Phí, xác định rõ nội dung nói trên, đối chiếu với những quy định bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để xác định tội danh. Bên cạnh đó, cũng phải tiếp tục làm rõ hành vi, động cơ, mục đích (nếu có) của Nguyễn Tài, Nguyễn Kích, Huỳnh Ngọc Thắng và Lê Văn Hoàng trong việc giúp bị cáo Phí được đền bù đất vượt hạn mức để xác định trách nhiệm cụ thể của từng bị cáo.

Từ những phân tích trên, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng việc kết tội ông Phí về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa đủ căn cứ. 

Đọc thêm