Hàng loạt cán bộ “nhúng chàm”
Ngày 14/9/2014, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên Bản án số 19/2016/HSST về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa - Nguyễn Tài cùng nhiều cán bộ cấp dưới trong việc lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư DA, nội dung: Từ tháng 7/2013 đến 4/2014, Nguyễn Tài, Huỳnh Ngọc Sương - Phó Chủ tịch huyện Đông Hòa, kiêm Trưởng ban đền bù GPMB DA; Nguyễn Kích - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phó trưởng Ban thường trực Ban bồi thường GPMB DA, Tổ trưởng Tổ kiểm kê; Huỳnh Ngọc Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, thành viên Ban đền bù GPMB DA, thành viên Tổ kiểm kê cùng 11 cán bộ khác thuộc các Phòng TNMT, Kinh tế và Hạ tầng, NN&PTNT, UBND xã Hòa Tâm và ông Nguyễn Hữu Phí (trú tại 323 Bà Triệu, phường 7, TP Tuy Hòa, Phú Yên) đã có hành vi thực hiện không đúng quy định của Nhà nước trong việc đền bù hỗ trợ GPMB DA.
Cụ thể, thực hiện bồi thường về đất không đủ mật độ cây trồng, đất lấn chiếm, nhà xây trái phép cho 3 trường hợp; hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho cán bộ đang công tác, cán bộ hưu trí, những người ở ngoài tỉnh, không trực tiếp sản xuất, không có hộ khẩu và không đăng ký tạm trú ở địa phương 9 trường hợp; hợp thức hồ sơ bồi thường, hỗ trợ diện tích đất nuôi trồng thủy sản vượt hạn mức cho 1 đối tượng, đứng tên 4 người khác để nhận tiền cao hơn so với quy định… làm thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 9,2 tỉ đồng.
Theo đó, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Võ Nguyên Tùng đã tuyên án đối với 16 bị cáo, trong đó Nguyễn Tài lĩnh 12 năm tù, Nguyễn Kích 10 năm tù, Huỳnh Ngọc Thắng 4 năm tù...
Nhiều căn cứ pháp lý bị “bỏ lọt”
TAND tỉnh Phú Yên cho rằng, cơ sở để tuyên bản án dựa trên việc xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, lời khai... để định tội. Tuy nhiên, sau đó bị cáo Nguyễn Tài, Nguyễn Kích, Nguyễn Hữu Phí đã làm đơn kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25/9/2017, đại diện VKSND đã đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại, bởi trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra chỉ trưng cầu giám định tính hợp lệ của Quyết định số 806 (Quyết định phê duyệt chi tiết phương án bồi thường của DA-PV) và việc bồi thường, hỗ trợ cho ông Nguyễn Hữu Phí, nhưng trong 6 giám định viên của Sở TN&MT Phú Yên được cơ quan điều tra trưng cầu giám định thì chỉ có 2 người là giám định viên tư pháp. Thiệt hại được xác định trong vụ án theo Phương án số 25/PA-TTPTQĐ ngày 4/10/2013 bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (giai đoạn 1) được UBND huyện Đông Hòa phê duyệt tại Quyết định 806 chưa được giám định viên về tài chính trong lĩnh vực đất đai thẩm định. Bên cạnh đó, kiểm sát viên còn cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên xác định không đúng hành vi vi phạm của bị cáo Nguyễn Kích.
Theo đó, tại Bản án số 236/2017/HSPT ngày 25/9/2017, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, nêu rõ: Hành vi của các bị cáo bị truy tố và xét xử do làm trái các quy định của pháp luật về đất đai trong đền bù, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; việc xác định thiệt hại trong đền bù, hỗ trợ phải được các giám định viên tài chính về đất đai xác định số tiền bị thiệt hại do đền bù, hỗ trợ không đúng để từ đó mới có căn cứ xem xét trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ thực hiện công vụ nói trên. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, truy tố, cơ quan điều tra chỉ trưng cầu giám định viên của Sở TN&MT Phú Yên giám định các Quyết định số 806, Quyết định số 905, các Thông báo chỉ đạo của Nguyễn Tài và việc bồi thường, hỗ trợ cho Nguyễn Hữu Phí. Đồng thời, kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm đều sử dụng kết quả giám định với các văn bản từ giám định viên của Sở TN&MT Phú Yên để truy tố và xét xử các bị cáo là chưa đủ căn cứ.
Từ những khẳng định này, dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng các cơ quan tố tụng không biết, hay “vô cảm” và “cố tình” bỏ qua các quy định pháp luật để tiến hành định tội?
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng còn chỉ ra thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Yên khi bỏ lọt tội đối với bị cáo Nguyễn Kích, khi bị cáo này không chỉ bị truy tố về tội Cố ý làm trái mà đối với hai hành vi bồi thường về đất và tài sản trên đất sai quy định; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm sai quy định cho 9 trường hợp (nếu điều tra lại xác định đúng như vậy) thì bị cáo còn phải truy tố thêm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mới đúng vì bị cáo này đang là Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa đã lợi dụng việc bồi thường nhận hơn 400 triệu đồng trái quy định.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại kết tội bị cáo Kích đối với 2 hành vi trên về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không đúng với hành vi của bị cáo.
Từ những tình tiết này, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng bản án sơ thẩm tuyên 16 bị cáo tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa đủ căn cứ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Kháng cáo của bị cáo, quan điểm của kiểm sát viên, căn cứ bào chữa của luật sư có căn cứ chấp nhận, nên đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên.