Chưa giải tỏa đã đập cầu
Công trình nâng cấp, mở rộng cầu Ông Chừ được UBND TP Tuy Hòa phê duyệt ngày 16/9/2019 với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Theo bảng thông tin công trình, chủ đầu tư là BQL dự án đầu tư xây dựng TP Tuy Hòa. Tư vấn giám sát Cty THHH Tư vấn xây dựng 25, giám sát trưởng Nguyễn Văn Bi. Đơn vị thi công là Cty CP Xây dựng công trình 510, chỉ huy trưởng Trương Tấn Thành, ngày khởi công 11/12/2019, ngày hoàn thành 29/5/2020.
Sau ngày khởi công, cây cầu cũ đã bị phá bỏ hoàn toàn, hai đầu che chắn bằng các miếng tôn và để bảng cấm các phương tiện lưu thông. Sau khi đập cầu, công trình ngừng thi công do… chủ đầu tư chưa giải quyết việc giải tỏa, đền bù cho 15 hộ dân.
Theo ông Trương Tấn Thành, Chỉ huy trưởng đơn vị thi công: “Chúng tôi chỉ làm theo tiến độ của chủ đầu tư chứ không biết gì”.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Bảo Anh, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng TP Tuy Hòa, cho biết, đúng là dự án công trình cầu Ông Chừ đang thi công chậm trễ vì vướng phương án đền bù cho các hộ dân ở đây. “Chúng tôi đang lên kế hoạch xin giá đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình, đưa lên Sở TN&MT tỉnh phê duyệt, tiến hành đền bù cho dân rồi mới tiếp tục xây dựng cầu”, ông Anh cho biết.
Ngoài ra, ông Anh thông tin, dự án còn vướng các sợi dây điện và dây viễn thông ở gần công trình nên việc tiến hành xây cầu chậm trễ. “Chúng tôi cũng biết người dân phản ánh về tiến độ xây cầu và chúng tôi đang cố gắng hết sức để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng”, ông Anh nói.
Khi được hỏi tại sao chưa lên phương án đền bù cho dân đã đi đập cầu khiến người dân bức xúc và gây cản trở giao thông, ông Anh cho rằng: “Chúng tôi làm dưới sự chỉ đạo và theo kế hoạch của cấp trên. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thành sớm các thủ tục đền bù cho dân, phấn đấu cuối 2020 sẽ đưa cây cầu vào sử dụng”.
Cầu cũ đã bị đập, mất đường lưu thông nên người dân đổ sang đường Hải Dương bên cạnh gây kẹt xe nghiêm trọng hàng ngày |
Người dân mong dự án sớm hoàn thành
Ông Nguyễn Bé, người dân sống ở TP Tuy Hòa cho biết: “Từ ngày cấm đi đường cầu Ông Chừ, thì đường Hải Dương (TP Tuy Hòa) sáng nào cũng kẹt xe. Nhiều lúc kẹt hơn một tiếng khiến công việc của tôi chậm trễ. Không riêng gì bản thân tôi mà người dân ở Tuy Hòa ai đi qua đây những lúc như vậy cũng bức xúc”, ông Bé nói.
Còn ông Đỗ Hữu Phước, một người trông giữ xe ở chợ Xéo (xã Bình Ngọc), gần khu vực cầu Ông Chừ buồn bã cho hay, khi hay tin cầu ông Chữ cũ được đầu tư sửa chữa, người dân khu vực vui mừng lắm. Tuy nhiên, từ ngày khởi công nhưng không thấy đơn vị thi công xúc tiến xây dựng khiến việc buôn bán ở chợ Xéo vô cùng ế ẩm. Một lý do chính vì cây cầu cũ bị phá bỏ nên nhiều người ở khu vực và vùng phụ cận không thể đi lại được.
Là một trong 15 hộ chưa nhận đền bù về việc xây dựng cầu Ông Chừ, gia đình bà Phạm Thị Nguyệt (trú thôn Ngọc Phước 1, xã Bình Ngọc) cho biết nhà bà nằm trong diện giải tỏa để lấy mặt bằng thi công cầu. Tuy nhiên, đến nay chính quyền địa phương chưa đền bù nên gia đình bà chưa di dời đi nơi khác để giao mặt thi công cầu.
Trong khi đó, hàng chục hộ dân lâm cảnh đi cũng dở, ở không xong. Người dân chỉ mong chính quyền sớm đền bù hoặc bố trí khu tái định cư phù hợp để người dân có nơi an cư, lạc nghiệp. “Điều khiến gia đình tôi cũng như hàng chục hộ dân khác chưa chấp nhận giao mặt bằng cho đơn vị thi công một phần do chưa nhận đền bù thỏa đáng. Tôi cũng không hiểu sao mà UBND TP Tuy Hòa chưa lập phương án đền bù cho chúng tôi mà đã phá bỏ cây cầu cũ để xây cầu mới, khiến việc đi lại của chúng tôi vô cùng khó khăn”, bà Nguyệt chia sẻ thêm.
Còn bà Trần Thị Thùy Linh (khu phố 2, phường 1) cho hay cây cầu Ông Chừ cũ xây dựng đã lâu hiện đã xuống cấp, trong khi lượng xe qua lại rất đông. Vì vậy việc xây dựng cầu mới là thiết yếu. Thế nhưng chưa đền bù xong mà đơn vị thi công đã bịt lối đi, tiến hành đập cầu cũ rồi không chịu thi công bỏ một đống ngổn ngang gây phản cảm khiến người dân chúng tôi vô cùng bức xúc.
“Họ ngừng thi công mấy tháng nay rồi. Công trình được đầu tư hơn chục tỷ đồng mà làm không xong do chưa giải tỏa xong mặt bằng thì quả là hiếm nơi nào tắc trách như vậy”, bà Linh ngao ngán.