Người dân khốn khổ vì môi trường sống bị ô nhiễm
Xưởng sản xuất giấy của Trung tâm GDLĐXH Hải Phòng nằm bên bờ sông Thải, phía sau dãy núi Cổ Ngựa và tách rời với khu hành chính, khu nghỉ của các học viên cai nghiện và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Do việc sản xuất giấy thủ công ở đây không đảm bảo về môi trường nên kể từ khi xưởng sản xuất này đi vào hoạt động đã vấp phải phản ứng quyết liệt của nhân dân sống xung quanh.
Theo người dân thôn Ao La, xã Minh Tân và thôn 4, xã Gia Minh huyện Thủy Nguyên phản ánh, trong thời gian qua, Trung tâm GDLĐXH Hải Phòng thường xuyên đốt lốp cao su, chưng cất dầu; đốt rác thải công nghiệp để phục vụ cho sản xuất giấy tiền vàng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Phạm Văn T (nhân vật đề nghị dấu tên) trú tại thôn Ao La, xã Minh Tân cho biết, cả thôn này ngăn cách xưởng giấy đế của Trung tâm bởi con sông Thải. Trước đây, bà con vẫn xuống sông mò tôm, bắt cá nhưng từ khi xưởng giấy này đi vào hoạt động thì chúng tôi không dám nữa. Bởi hóa chất sau khi ngâm, tẩy tre, nứa được xả trực tiếp ra con sông này. Nước thì đổi thành màu vàng, bọt trắng xóa.
Không chỉ xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, hoạt động của xưởng sản xuất giấy trên còn làm đảo lộn cuộc sống của nhân dân trong vùng. Một người dân xã Gia Minh, gần xưởng sản xuất giấy cũng cho biết xưởng sản xuất giấy này thường xuyên xả ra mùi khét. Đây là mùi khét của lốp cao su và rác thải công nghiệp như da giầy, mút xốp. Mỗi lần hít phải khí này, ai cũng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Phần lớn người già, trẻ nhỏ đều mắc bệnh hô hấp.
Điều đáng nói, theo phản ánh của nhân dân, nhiều học viên cai nghiện tại Trung tâm cũng bất bình trước việc vào Trung tâm để chữa bệnh, học nghề nhưng lại phải lao động trong môi trường độc hại, không có phương tiện bảo hộ.
Việc gây ra những nguy cơ gây hại cho môi trường sống nên hoạt động của xưởng sản xuất giấy này trở thành một trong những “điểm nóng” khiếu nại, tố cáo của người dân về ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các cử tri huyện Thủy Nguyên liên tục chất vấn các cơ quan chức năng về sự tồn tại của một cơ sở gây ô nhiễm nhưng chưa được quan tâm, giải quyết. Trong kỳ họp HĐND Thành phố Hải Phòng vừa qua, vấn đề ô nhiễm môi trường sống do xưởng sản xuất giấy của Trung tâm GĐLĐXH đã được đưa ra nghị trường và trở thành tiêu điểm trong các vấn đề cử tri nêu ra, được các đại biểu HĐND quan tâm.
Ô nhiễm “lộ thiên” nhưng không bị xử lý
Để kiểm chứng ý kiến của người dân, được sự cho phép của lãnh đạo Trung tâm, phóng viên đã tận mắt chứng kiến quy trình vận hành của xưởng sản xuất giấy này. Xưởng sản xuất khá tềnh toàng, phía trước xưởng là những chiếc bể ngâm tẩy tre, nứa bằng hóa chất NAOH (xút), nằm chềnh ềnh phơi nắng, phơi mưa. Xung quanh khuôn viên nhà xưởng rất nhiều đống cao su, dây điện đã qua sử dụng được thu gom, chất thành từng đống cao.
|
Bể nước thải đen ngòm, bọt bẩn nổi lềnh bềnh và bốc mùi hôi thối |
Hệ thống bể chứa nước thải cũ nát, không được che đậy. Nước trong bể đầy ắp một màu đen đặc và bọt bẩn nổi bồng bềnh phía trên. Tại đây, lượng nước thải đen ngòm này vẫn đang chảy tràn bể ra phía sông Thải. Trong khi đó, hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn để tái sử dụng như lời của lãnh đạo Trung tâm thì gần như không hoạt động, bể lọc luôn trong tình trạng khô cong.
Tại thời điểm phóng viên có mặt, hai lò đốt của Trung tâm đang hoạt động bình thường. Hai học viên được cắt cử đưa chất đốt vào hai cửa lò. Chất đốt chính là những phế phẩm của ngành da giầy, mút xốp và may mặc.
Trước những phản ánh của người dân, ông Nguyễn Hải Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm GDLĐXH Hải Phòng khẳng định chắc như “đinh đóng cột” rằng nhà xưởng có đủ giấy tờ pháp lý liên quan và chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, viện dẫn nhiều lý do, ông Hưng từ chối cung cấp những tài liệu trên.
Liên quan đến phản ánh của người dân về việc Trung tâm thường xuyên đốt cao su, chưng cất dầu và xử lý rác thải công nghiệp cho một số doanh nghiệp ông Hưng thừa nhận năm 2014, trung tâm ký hợp đồng cho một đối tác chưng cất dầu nhưng gần đây họ dừng sản xuất. Tuy nhiên, đối tác trên là ai thì ông Hưng không hay biết bởi theo ông “việc này Giám đốc mới là người quản lý”.
Với việc gây ô nhiễm môi trường, gây phản ứng tiêu cực của người dân như nêu trên thì câu hỏi đặt ra là xưởng sản xuất giấy đế trên có được các cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, có được xử lý rác thải công nghiệp, có tuân thủ theo các quy định về bảo vệ môi trường sẽ cần phải được làm rõ.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin trong số báo tiếp theo.