Trước đó, tại phiên xử ngày 3/2, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT PVC), Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) và 6 đồng phạm đã được tranh luận và nói lời cuối cùng.
“Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, gian dối”
Mở đầu buổi làm việc, đại diện VKS đối đáp lần 2 về quan điểm mà các luật sư, bị cáo đưa ra. Theo đại diện cơ quan giữ quyền tố tụng tại tòa, việc VKS quyết định truy tố Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. “Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh khai báo không thành khẩn, gian dối”, kiểm sát viên nói. Bởi sau khi trả 14 tỷ đồng – số tiền mà Trịnh Xuân Thanh được Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietsan) “lại quả” sau khi PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza, Thanh đã bảo Hương giữ bí mật, nói tiền chưa chuyển đến ông ta và hợp thức hóa hành vi vi phạm bằng việc chuyển nhượng cổ phần.
"Nếu không vi phạm thì sao phải chỉ đạo đồng phạm gian dối?”, VKS đặt câu hỏi. Cũng trong đối đáp lần 2, VKS đề nghị HĐXX có hình phạt thích đáng với Trịnh Xuân Thanh để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Việc các luật sư cho rằng bị cáo Trịnh Xuân Thanh không phạm tội Tham ô tài sản là không có căn cứ. Các bị cáo còn lại theo đại diện VKS có vai trò giúp sức Trịnh Xuân Thanh tham ô.
Sau đối đáp lần 2 của đại diện VKS, Luật sư Trần Hồng Phúc và Lê Văn Thiệp đề nghị VKS làm rõ thân chủ của họ là Trịnh Xuân Thanh tham ô bao nhiêu tiền của Nhà nước. Bởi PVP Land có 28% vốn của PVC (trong đó, PVC có hơn 87% vốn Nhà nước) nên luật sư cho rằng không thể coi tất cả hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land là tài sản Nhà nước để cáo buộc các bị cáo tham ô. Nữ Luật sư Phúc cũng đề nghị nghị VKS chỉ ra ai ở Vietsan nhận tiền, thay đổi số tiền đã nhận từ Thanh và Thắng…
Đối đáp lần 3, VKS nói đã trả lời đầy đủ nên bảo lưu ý kiến đã trình bày trước đó. Nghe vậy, bị cáo Thanh xin được trình bày quan điểm. Bị cáo này không đồng tình với ý kiến của cơ quan tố tụng, cho rằng bản thân không đồng thuận với Đinh Mạnh Thắng và Thái Thị Kiều Hương về việc nhận tiền…
Đinh Mạnh Thắng mong được tuyên mức án thấp
Kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng. Là người nói lời sau cùng đầu tiên, bị cáo Đào Duy Phong cho rằng bản thân không có hành vi tham ô như cáo buộc. Nếu bị kết tội, bị cáo này mong được tòa cho hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật vì vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, ăn năn hối cải, lại đang bị bệnh.
Bị Cáo Đinh Mạnh Thắng |
Trong khi đó, Trịnh Xuân Thanh nói về những tháng ngày không ngủ được và không thể nghĩ gì cao siêu vì nhớ vợ, nhớ con, bạn bè. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn gửi lời cảm ơn tới những người bạn cũ, luật sư, cảnh sát. “Nguyện vọng của bị cáo lần này cũng như nguyện vọng ở phiên tòa trước, sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo muốn được sang Đức để được gần vợ con. Đề nghị sau khi có án, bị cáo được sang Đức để bị cáo có chết thì được chết trong vòng tay của con”, bị cáo Thanh nói.
Đến lượt mình, bị cáo Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) nói suốt quá trình điều tra, xét xử, bản thân đã thành khẩn khai báo hết hành vi. Bị cáo Thắng cho rằng chỉ vô tình kết nối tạo cuộc gặp gỡ chứ thực sự không biết về việc mua bán cổ phần. Bị cáo Đinh Mạnh Thắng mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xem xét tội danh để phán xử công tâm, thấu tình, đạt lý, có mức án thấp để bị cáo sớm được về với gia đình, xã hội.
Hai nữ bị cáo còn lại trong vụ án là Thái Kiều Hương (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietsan) và Nguyễn Thị Kim Thoa (cựu Kế toán trưởng Công ty 1/5) người thì đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi để xem xét công minh, người thì xin công bằng, không xin khoan hồng. Bị cáo Hương nói ngắn gọn: "Hôm nay thấy cái giá phải trả rất lớn".
Theo cáo trạng, do PVP Land là cổ đông đang sở hữu 50,5% cổ phần của Công ty Xuyên Thái Bình Dương phải được PVC đồng ý mới thực hiện được nên Thái Kiều Hương gặp Đinh Mạnh Thắng – là người có thể tác động đến Trịnh Xuân Thanh để nhờ Thắng liên hệ gặp Thanh, đặt vấn đề cho PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza. Tại cuộc gặp, Thanh thừa nhận Thắng đã đặt vấn đề đề nghị Thanh quan tâm, ủng hộ PVP Land thoái vốn tại Dự án Nam Đàn Plaza.
Sau đó, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land) đứng ra thu xếp việc mua bán. Phong đã ký tờ trình gửi PVC phê duyệt phương án bán hơn 12 triệu cổ phần với giá 13.578 đồng/cổ phần, tương đương giá 34 triệu đồng/m2 đất tại dự án Nam Đàn Plaza và được Trịnh Xuân Thanh đồng ý. Sau khi mua được, Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1/5), đã chuyển nhượng cổ phần với cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m2 (chênh lệch 18 triệu đồng/m2), thu tổng số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng. Hậu thương vụ trên, Thái Kiều Hương đã đưa 14 tỷ đồng để "lại quả" cho Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, Lê Hòa Bình còn chuyển cho Đào Duy Phong 10 tỷ đồng, Đặng Sỹ Hùng 20 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ đồng.