Sao nỡ tước đi cuộc đời em?

(PLO) - Vụ tai nạn đã xảy ra hơn 3 năm, nhưng các bác sĩ của Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Đà Nẵng không bao giờ có thể quên tiếng kêu đau đớn của cháu Trần Khánh Linh (6 tuổi) phá vỡ không gian yên tĩnh: “Con đau quá, đau quá ba mẹ ơi!”. Tiếng con trẻ kêu khóc có lẽ sẽ còn ám ảnh mãi  bởi nỗi đau là của cả xã hội, chứ không của riêng ai...
Mỗi năm Ủy ban ATGT Quốc gia đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT

Ám ảnh những vụ tai nạn giao thông cướp sinh mạng trẻ nhỏ

Khoảng 16h45 ngày 13/7/2015, tại cầu Thuận Phước quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 3 người chết và 2 người bị thương.

Xe ô tô 7 chỗ mang BKS 43X-2047 do tài xế Đinh Thế Hiệp (SN 1977, ngụ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) điều khiển lưu thông trên cầu Thuận Phước theo hướng Sơn Trà – Hải Châu.

Khi đến chân cầu Thuận Phước thuộc địa bàn quận Hải Châu, xe do tài xế Hiệp điều khiển bị mất kiểm soát và tông vào 2 xe máy chạy ngược chiều của ông Đinh Quốc Long (SN 1958, ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chở theo vợ là bà Trần Thị Thái và xe của chị Lê Thị Vân Khánh (SN 1981, ngụ quận Sơn Trà) chở theo 2 con là Trần Trọng Minh (SN 2007) và Trần Khánh Linh (SN 2009).

Cú va chạm mạnh đã khiến bà Thái, chị Vân Khánh và cháu Minh rơi xuống đường dẫn, cách mặt cầu Thuận Phước khoảng 15m. 2 người phụ nữ tử vong tại chỗ, cháu Minh bị thương nặng. Cú va chạm cũng khiến ông Long tử vong tại chỗ, Linh bị thương nặng. 

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm những đứa trẻ phải nhập viện với tiên lượng xấu và mất đi cha mẹ, người thân chỉ trong tích tắc này chỉ là một trong rất nhiều những vụ TNGT đang ngày đêm ám ảnh những đứa trẻ. Theo Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP), tại Việt Nam, mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 2.000 trẻ em.

Đây là một trong hai nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ Việt Nam từ 5 đến 14 tuổi. Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2018, đã có 6.674 người chết và 11.549 người bị thương, gây thiệt hại to lớn về con người và tài sản, mang đến sự mất mát, đớn đau không thể bù đắp cho các gia đình nạn nhân và toàn xã hội. Một điều xót xa hơn là trong số nạn nhân thương vong có 962 trẻ em, cướp đi tương lai của nhiều gia đình, dòng họ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của giống nòi.

Mới đây ngày 14/11/2018 trong khuôn khổ Tháng tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT hàng năm, đoàn công tác Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức thăm hỏi, động viên một số nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNGT tại tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng.

Chia sẻ sau khi thăm gia đình các nạn nhân ở Quảng Ninh và Hải Phòng, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Là cơ quan chuyên trách về ATGT, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc, chứng kiến các hoàn cảnh bị TNGT. Tuy vậy, mỗi lần chứng kiến những ánh mắt thẫn thờ của những người cha, người mẹ mất đi những đứa con đang ở tuổi học sinh, chúng tôi vẫn không kìm được cảm xúc. Tôi bị ám ảnh bởi những vụ TNGT cướp đi sinh mạng của những cháu bé đang ở tuổi học sinh - lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời”.

Khuyến khích các thói quen an toàn để bảo vệ trẻ nhỏ

Đó là khuyến cáo của ông Greig Craft – Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP). Theo ông, nền kinh tế Việt Nam ngày một phát triển, số lượng các gia đình sở hữu xe và sử dụng xe làm phương tiện di chuyển chính cũng tăng theo. Để bảo vệ con trẻ của chúng ta và tiếp tục phổ biến văn hóa ATGT, chúng ta cần khuyến khích các thói quen an toàn cho tất cả người tham gia giao thông, dù là đội mũ bảo hiểm hay thắt dây an toàn. 

Trên xe ô tô, đối với trẻ nhỏ, thắt dây an toàn là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tử vong và thương tích nghiêm trọng trong trường hợp xảy ra tai nạn. Người ngồi trên xe không thắt dây an toàn có nguy cơ bị bật khỏi xe cao gấp 30 lần trong khi va chạm. Hơn 75% trường hợp bị bật khỏi xe trong một vụ va chạm nghiêm trọng đều tử vong do thương tích. Nhiều bậc cha mẹ sử dụng ô tô tại Việt Nam không ý thức được những nguy cơ của việc không thắt dây an toàn hoặc sử dụng ghế an toàn dành cho trẻ em. 

Cũng tương tự, nhiều bậc cha mẹ khi chở con trên đường bằng xe máy quên đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho con  mà không ý thức được rằng việc đảm bảo an toàn cho con em của họ khi di chuyển là rất quan trọng. Đôi khi chỉ vì một phút bất cẩn mà tước đi sinh mạng của một đứa trẻ.

Theo thông lệ, ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hàng năm sẽ là Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT. Năm nay Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT năm 2018 vào 20 giờ ngày 18/11/2018. Trước đó, ngày 23/8/2018, Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2018.

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT lần thứ 7, năm 2018, là chuỗi các hoạt động mà Việt Nam cùng các thành viên Liên Hợp quốc tổ chức hàng năm trên toàn thế giới, là dịp để chúng ta tưởng nhớ và thương cảm với những người không may qua đời do TNGT; chung tay chia sẻ, xoa dịu nỗi đau đối với người thân của họ.

Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Đồng thời, mỗi người cần tự kiểm điểm chính bản thân mình xem: phải chăng mỗi chúng ta cũng đã từng lái xe sau khi vừa uống rượu bia, vi phạm tốc độ, vi phạm tín hiệu giao thông, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy... và chính mỗi bậc làm cha, làm mẹ, mỗi thầy cô giáo cũng chưa thường xuyên nêu gương về văn hoá giao thông, hay còn vô tâm trước những hiểm nguy rình rập con trẻ trên những cung đường.

“Một phút tưởng nhớ và hứa với những người đã mất, chúng ta hứa tuyệt đối chấp hành Luật Giao thông; luôn  nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông; mỗi người lớn, đặc biệt là cha, mẹ và thầy, cô giáo, phải có trách nhiệm giáo dục trẻ em tham gia giao thông an toàn, phải là tấm gương về văn hoá giao thông và luôn nhớ nghĩa vụ bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông; phải đội mũ bảo hiểm cho mình và cho trẻ em khi đi lại bằng mô tô, xe máy và xe đạp điện” - ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh. 

Hôm nay, tại Việt Nam Quốc tự, quận 10, TPHCM, Ban ATGT TP HCM phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TPHCM tổ chức Lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do TNGT  với sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu cùng với tăng ni, phật tử trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách - Ban ATGT TP HCM cho biết thông điệp của Lễ tưởng niệm năm nay là “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.

Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền về lĩnh vực trật tự ATGT nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban, ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương. Qua đó, có nhiều khẩu hiệu được các cơ quan chức năng đưa ra để khuyến cáo người tham gia giao thông như: “Phía trước tay lái là sự sống”; “Hãy lái xe bằng cả trái tim”; “Đã uống rượu bia là không lái xe”; “Hãy đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy”,  không phóng nhanh, vượt ẩu…  

Tham gia giao thông là quyền và nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, TNGT giờ đây không còn là nỗi đau của riêng ai, nó có tác động xấu đến các gia đình có người bị tai nạn và xã hội. Chính vì vậy, vì hạnh phúc, vì cuộc sống bình yên của chính bản thân mình, của gia đình và cộng đồng, hãy phát huy tinh thần tích cực, tự giác của mỗi người và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, cùng chung tay hành động và hành động quyết liệt hơn nữa, góp phần kiềm chế và đẩy lùi TNGT bằng các việc làm thiết thực.

Đọc thêm