Sao TAND tỉnh Tây Ninh làm ngơ trước một bản di chúc đúng pháp luật?

(PLVN) - Bà Nguyễn Thị Thu Hương (cư ngụ tại 64/2 khu phố Ninh Phước, phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) có đơn gửi Báo Pháp luật Việt Nam trình bày về việc gia đình bà bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên buộc giao lại thửa đất đang tranh chấp cho nguyên đơn không có căn cứ pháp luật. Vụ án đã qua 8 lần xét xử, từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm nhưng hiện tại đang luẩn quẩn trong ngõ cụt.

Các nguyên đơn và bị đơn trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất này đều là con cháu của cụ ông Nguyễn Văn Ngỗ và cụ bà là Nguyễn Thị Tể (chết 1946). Ông bà có 10 người con. Năm 1980, nhân ngày giỗ cụ Tể, cụ Ngỗ kêu con cháu lại và lập “Tờ chúc ngôn” vào ngày 03/02 năm Canh Thân (tức ngày 19/4/1980).

Nội dung Tờ chúc ngôn là chia phần cho các con số ruộng đất mà vợ chồng ông đã vun vén và gầy dựng nên trong nhiều năm. Tùy theo vị trí thửa đất xa hay gần, giá trị cao hay thấp mà ông phân bổ một cách hợp lý cho các con. Riêng ông Nguyễn Văn Bộ - con út (là cha của bà Nguyễn Thị Thu Hương) lúc đó còn nhỏ nên được chia cho căn nhà, đất mà ông và cha mình đang ở. 

Bà Hương và các đồng bị đơn.

Bà Hương và các đồng bị đơn.

Trên diện đất được chia cho ông Bộ lúc đó đang có nhà của ông Đẳng, ông Chẳng và ông Trớn (đều là anh ruột ông Nguyễn Văn Bộ). Một thời gian sau ông Đẳng dọn đi nơi khác, trả lại đất cho ông Bộ và ông Bộ đã bán phần đất đó cho người khác.

Trong Tờ chúc ngôn, ông Ngỗ ghi rất rõ: “Tại đất nhà, Trớn và Chẳng cứ ở, chừng nào đi thì thôi”. Nhìn dưới góc độ pháp lý, nội dung chúc ngôn đó chỉ cho hai ông Trớn và Chẳng quyền sử dụng lâu dài mà không trao quyền sở hữu, định đoạt, chỉ là “tạm trú” chứ không mặc nhiên “thường trú”.

Tuy nhiên, sau khi ông Trớn mất, bà Đào Thị Đẳng (vợ ông Trớn) cùng các con lại có ý chiếm đất, ở lỳ không trả nhà cho ông Bộ nên ông Bộ làm đơn khởi kiện ra TAND thị xã Tây Ninh (nay là TP Tây Ninh), tỉnh Tây Ninh.

Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2006/DSST ngày 03/3/2006 của TAND thị xã Tây Ninh tuyên buộc bà Đào Thị Đẳng cùng các con có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông Nguyễn Văn Bộ toàn bộ diện tích đất đang sử dụng trái phép là 296,24m2. Ông Bộ có nghĩa vụ hỗ trợ chi phí di dời cho bà Đào Thị Đẳng là 40.507.880 đồng.

Mặc dù ông Bộ thực hiện ngay nghĩa vụ của mình nhưng bà Đẳng cùng các con tiếp tục cố thủ và... kháng cáo! Từ đây vụ án bắt đầu vòng luẩn quẩn. Nguyên đơn và bị đơn liên tục hoán đổi địa vị tố tụng cho nhau.

Theo quy định tại Điều 181, 182, 192 Bộ luật dân sự 2005 và Điều 49 Luật đất đai 2003 thì ông Nguyễn Văn Bộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích này nên ông Bộ có quyền quản lý, sử dụng và định đoạt quyền sử dụng đất. VKSND tỉnh Tây Ninh trong Công văn số 09/VKS-P5 ngày 04/12/2006 gửi Viện trưởng VKSND Tối cao cũng đã thừa nhận điều này. 

Trải qua 8 bản án từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm, ngày 22/5/2019 và ngày 01/7/2020 các “bị đơn mới” phía gia đình ông Bộ trong vụ án nói trên đã ký vào một đơn đề nghị giám đốc thẩm gửi Viện trưởng VKSND Cấp cao và Chánh án TAND cấp cao tại TP HCM, kiến nghị xem xét lại Bản án đã có hiệu lực pháp luật số 52/2019/DS-PT ngày 26/3/2019 của TAND tỉnh Tây Ninh. Lý do kiến nghị giám đốc thẩm các bị đơn cho rằng bản án nói trên đã phớt lờ Tờ chúc ngôn của cụ Ngỗ. 

Căn nhà và phần đất đang tranh chấp tại số 642 khu phố Ninh Phước, phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Căn nhà và phần đất đang tranh chấp tại số 642 khu phố Ninh Phước, phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Theo Luật sư Cao Xuân Bái, Trưởng Văn phòng luật sư Cao Xuân Bái – Đoàn Luật sưTP HCM, “Bản chất pháp lý của Tờ chúc ngôn chính là di chúc bằng văn bản, có giá trị pháp lý bởi nó được lập tuy đã khá lâu trước khi Bộ luật Dân sự đầu tiên của nước ta (1995) và Bộ luật Dân sự hiện hành có hiệu lực, nhưng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một bản di chúc.

Tờ chúc ngôn có ghi rõ ngày tháng năm, nơi tạo lập, người để lại chúc ngôn hoàn toàn minh mẫn, không bị cưỡng ép, đe dọa. Nội dung Tờ chúc ngôn không vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội. Đặc biệt là tất cả những người con của cụ Ngỗ đều được chia phần và tất cả họ đều đồng ý ký vào Tờ chúc ngôn.”  

LS Cao Xuân Bái – Trưởng Văn phòng LS Cao Xuân Bái, Đoàn LS TPHCM.

LS Cao Xuân Bái – Trưởng Văn phòng LS Cao Xuân Bái, Đoàn LS TPHCM. 

Tòa đã xử qua 8 lần nhưng đều rơi vào ngõ cụt, trong khi pháp lý của vấn đề rất rõ ràng, bản di chúc cũng rất rõ ràng và minh bạch! Đây là phần đất thừa kế hợp pháp của ông Nguyễn Văn Bộ (cha của bà Nguyễn Thị Thu Hương). Thửa đất có diện tích gần 260m2 tọa lạc giữa thành phố Tây Ninh là đất mà bà Hương và các đồng bị đơn được thừa hưởng từ di chúc hợp pháp và đã được chính quyền thành phố Tây Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng quy định pháp luật vào ngày 29/3/1996. 

Trong phiên giám đốc thẩm tới đây, hy vọng tòa án sẽ có quyết định đúng pháp luật, có lý, có tình, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân và những người có quyền lợi hợp pháp liên quan đến diện tích đất đã tranh chấp nhiều năm này.  

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!   

Đọc thêm