Việc chụp ảnh thuê bao thực sự vô nghĩa
Nhằm phục vụ công tác hậu kiểm, cung cấp bằng chứng xác thực để bảo đảm việc giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông là có thực và đúng người, đúng thời gian thực hiện, Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 (sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật viễn thông) đã quy định bổ sung trường thông tin về ảnh chụp thuê bao trong các trường thông tin thuê bao phải có).
Theo đó, thuê bao mới (sử dụng dịch vụ di động sau ngày Nghị định 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực 24/4/2017) phải chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng, ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ chụp). Thuê bao cũ (sử dụng dịch vụ trước ngày 24/4/2017), nếu có thông tin thuê bao chưa đầy đủ, chưa chính xác thì sẽ phải đến điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để cập nhật lại thông tin và chụp ảnh tại thời điểm cập nhật như thuê bao mới, còn thuê bao cũ mà DN viễn thông có sở cứ bảo đảm thông tin thuê bao là chính xác (đúng người) và không cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng thì DN tự triển khai các biện pháp cần thiết để bổ sung thông tin thuê bao và bổ sung ảnh chụp.
Ngay sau khi các quy định về việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp được các DN triển khai, người dân và các cơ quan báo chí đã có phản ứng cho rằng chụp ảnh là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân, có thể gây lộ lọt thông tin riêng và không cần thiết do đã có chứng minh nhân dân, đối với các thuê bao đã có thông tin chính xác (như thuê bao trả sau) mà vẫn yêu cầu bổ sung chụp ảnh là không cần thiết,….
Kết quả rà soát, đánh giá đến thời điểm này của Bộ TTTT cho thấy, để đảm bảo thông tin thuê bao là chính xác thì nhất thiết phải có việc đối soát giữa thông tin thuê bao do DN viễn thông thu thập với cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin nhân thân đáng tin cậy của cơ quan nhà nước có trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện tại nước ta chưa có hệ thống CSDL căn cước công dân điện tử để kết nối, đối soát dẫn tới các DN viễn thông thật sự không có cơ sở để đối soát, chứng minh thông tin thuê bao là chính xác hay không.
“Tháng 8/2018 vừa rồi, Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cũng đã tổ chức họp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công an và được biết CSDL căn cước công dân điện tử hiện mới triển khai xong ở 13 tỉnh/thành phố với khoảng 11 triệu căn cước, do khó khăn về kinh phí nên thời gian hoàn thành còn chưa thể xác định chính xác. Vì vậy, việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp thật sự không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý” – Bộ TTTT nhận định - “Nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao (đặc biệt là các thuê bao đã có thông tin đầy đủ, chính xác như các thuê bao trả sau) đi bổ sung ảnh chụp (các DN ước tính là còn khoảng 38 triệu thuê bao dạng này) sẽ lại tiếp tục gặp phản ứng, do vậy thực sự cần xem xét, bãi bỏ quy định này”.
Tạo hành lang pháp lý, dành sự chủ động cho DN
Thấy rằng việc quy định chi tiết nhằm hướng dẫn, yêu cầu các DN thực hiện không đem lại hiệu quả cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Chính phủ khuyến khích, tạo điều kiện để các DN chủ động kinh doanh, Bộ TTTTđề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP) theo hướng: tập trung quy định rõ thông tin thuê bao là gì và trách nhiệm của DN trong việc bảo đảm thông tin thuê bao là chính xác.
Theo đó, Nghị định mới sẽ lược bỏ các quy định mang tính hướng dẫn quá chi tiết, tạo điều kiện cho các DN hoàn toàn chủ động triển khai. Cụ thể, dự thảo Nghị định đề xuất cách thức xác định thông tin thuê bao, bao gồm: a) Số thuê bao, đối tượng sử dụng cho từng số thuê bao (cho bản thân, cho con đẻ, con nuôi dưới 14 tuổi, cho người được giám hộ, cho các cá nhân thuộc tổ chức, cho thiết bị); b) Thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân (họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đối với người có quốc tịch Việt Nam; c) Thông tin trên giấy tờ của tổ chức (bao gồm: tên tổ chức, địa chỉ trụ sở giao dịch, thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đến giao kết hợp đồng và thông tin trên giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân thuộc tổ chức tương ứng với số thuê bao mà tổ chức giao cho cá nhân đó sử dụng); d) Bản số hóa toàn bộ các giấy tờ của cá nhân, tổ chức đã xuất trình khi đến giao kết hợp đồng; đ) Hình thức thanh toán giá cước (trả trước, trả sau); e) Ngày bắt đầu sử dụng dịch vụ của thuê bao; g) Ngày chấm dứt sử dụng dịch vụ (đối với các thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ hoặc đã chuyển quyền sử dụng).
DN viễn thông có trách nhiệm xây dựng CSDL thông tin thuê bao tập trung để lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao trong suốt thời gian sử dụng dịch vụ của thuê bao và tối thiểu 2 năm sau khi thuê bao đã chấm dứt sử dụng dịch vụ. DN viễn thông phải kết nối CSDL thông tin thuê bao tập trung của DN với CSDL của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phục vụ việc đối soát và quản lý thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. DN viễn thông phải bảo đảm bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.
Thông tin thuê bao chỉ được sử dụng cho các mục bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quản lý nhà nước về viễn thông và phục vụ hoạt động quản lý nghiệp vụ, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của các DN viễn thông.
Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn cho thấy, công tác quản lý thông tin thuê bao chỉ phát huy được hiệu quả nếu có sự vào cuộc của Bộ Công an trong việc triển khai và tạo điều kiện để DN kết nối, đối soát với CSDL về căn cước công dân. Nội dung này cũng phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 36 Luật An ninh mạng về trách nhiệm của Bộ Công an trong việc xây dựng cơ chế xác thực thông tin. Do vậy, Bộ TTTT đề xuất xem xét, bổ sung thêm điều khoản quy định trách nhiệm của Bộ Công an về việc “xây dựng cơ chế xác thực và hướng dẫn các DN viễn thông di động xác thực thông tin thuê bao”.