Quá trình xác minh, được biết mỗi năm hai huyện này đều thành lập đoàn liên ngành xuống kiểm tra ở các xã có điểm bến, bãi tập kết, vận chuyển cát, sỏi trái phép, xong đoàn liên ngành của huyện Khoái Châu và huyện Tiên Lữ dường như chỉ làm mang tính hình thức, còn việc xử lý, ngăn chặn thì chưa thấy đâu?!
Trong khi đó, mỗi năm Chi Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (QLĐĐ & PCLB) liên tiếp ra nhiều văn bản xử phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp tập kết cát, sỏi trái phép ở nhiều địa bàn trong tỉnh Hưng Yên, điển hình vi phạm là huyện Tiên Lữ và huyện Khoái Châu.
Ông Hồ Trọng Khải - Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ & PCLB tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Tôi thường xuyên chỉ đạo các Hạt quản lý đê ở các huyện, thành phố phải cương quyết lập biên bản xử phạt đối với những cá nhân, doanh nghiệp tập kết cát, sỏi trái phép. Đồng thời yêu cầu UBND các huyện, thành phố có các xã có điểm bến bãi vi phạm phải giải tỏa, xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện họ không làm…”.
Một trong những trường hợp điển hình bị Chi cục QLĐĐ & PCLB xử phạt lên tới 100 triệu đồng và yêu cầu di dời hết số cát ra khỏi khu vực bãi sông Luộc là Công ty TNHH Cát Việt Thái Hưng do bà Nguyễn Thị Kim Phượng làm Giám đốc đã có hành vi vi phạm tập kết cát đen ở bãi sông tại vị trí K2 + 900 đê tả sông Luộc với khối lượng trên 200m3, vi phạm tại khoản 10, Điều 7, Chương I, Luật Đê điều.
Ngày 17/4/2018, Chi cục QLĐĐ & PCLB đã có Văn bản số 116/ĐĐ về việc giải tỏa chứa chất vật liệu trên bãi sông địa bàn huyện Tiên Lữ gửi UBND tỉnh Hưng Yên, Sở NN&PTNN, UBND huyện Tiên Lữ. Theo đó, có 14 trường hợp cá nhân, doanh nghiệp nằm trên địa bàn huyện Tiên Lữ vi phạm tới hành lang bảo vệ đê, bị đề nghị di dời, giải tỏa dứt điểm trước ngày 10/5/2018.
Cũng tại buổi làm việc, ông Khải nói: “Chúng tôi quyết liệt xử lý vi phạm bao nhiêu, thì chính quyền các huyện lại không làm bấy nhiêu. Trong khi họ có cả một bộ phận phòng chuyên môn, Công an, lực lượng đông đủ để ngăn chặn, xử lý được nhưng tại sao họ không làm? Cái này cần phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu UBND huyện và các trưởng phòng chuyên môn phụ trách lĩnh vực này… Có như vậy, việc xử lý các bến bãi trái phép mới thuyên giảm được…”.
Trong năm 2017, Sở NN&PTNN tỉnh Hưng Yên cũng đã có Văn bản số 55/BC-SNN-ĐĐ gửi UBND tỉnh Hưng Yên về tình hình vi phạm Luật Đê điều và kế hoạch xử lý vi phạm trên địa bàn. Cho thấy tình hình vi phạm các bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng; tình hình vi phạm của các điểm khai thác cát có nhiều phức tạp... Nguyên nhân của những vi phạm có nhiều lý do, trong đó trách nhiệm của chính quyền địa phương còn buông lỏng, thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm nên công tác giải tỏa vi phạm không triệt để…
Ý thức chấp hành về pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai, chấp hành chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh và các ngành có liên quan, của chính quyền cơ sở và các tổ chức, cá nhân còn yếu, không tự giác, thiếu nghiêm túc.
Trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với cấp chính quyền cấp cơ sở (xã, phường) chưa cao, còn buông lỏng quản lý và bảo vệ đê điều. Một số xã, phường vi phạm về quản lý đất đai, ký hợp đồng cho thuê đất làm bến bãi trái quy định, sai thẩm quyền…
UBND các huyện, thành phố thường chỉ có các văn bản chỉ đạo xuống các địa phương yêu cầu xử lý các vi phạm chứ chưa chú trọng tới việc kiểm tra, giám sát kết quả xử lý giải tỏa, không kiên quyết xử lý trách nhiệm…
Theo đó, để thực hiện nghiêm Luật Đê điều, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã đề nghị UBND tỉnh này giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có đê; giao Sở NN&PTNT; Sở TN&MT; Sở GTVT và Công an tỉnh có trách nhiệm ngăn chặn xử lý, giải tỏa các bến bãi vi phạm có hiệu quả…
Ông Đặng Xuân Lương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên cho hay: “Thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã có nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố về việc kiểm tra, xử lý các bến bãi vi phạm. Tuy nhiên, đến nay tình trạng vi phạm ở các huyện, thành phố vẫn diễn ra phức tạp, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu để xảy ra sai phạm…”.