Sau 2 ngày đầu áp dụng bước giá mới, Nhà đầu tư vẫn sợ đặt nhầm lệnh!

(PLO) - Những quy định mới về giao dịch chứng khoán tại SGDCK TP.HCM (Hose) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 12/9/2016. Trong đó, một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm nhất của giới đầu tư là việc điều chỉnh bước giá giao dịch xuống đến 10 đồng. Sau 2 ngày vận hành, nhiều NĐT tỏ ra bối rối và e ngại vì rủi ro… đặt nhầm lệnh rất dễ xảy ra.
Sau 2 ngày đầu áp dụng bước giá mới, Nhà đầu tư vẫn sợ đặt nhầm lệnh!

Ngày 22/08, HOSE ban hành Quyết định số 341/QĐ-SGDHCM và 342/SGDHCM ban hành Quy chế giao dịch chứng khoán và Quy định thời gian giao dịch, biên độ dao động giá, đơn vị giao dịch, loại lệnh áp dụng tại HOSE. Hiệu lực thi hành từ 12/09/2016.

Theo đó, những điểm ảnh hưởng trực tiếp đến giao dịch mà nhà đầu tư cần chú ý trên HOSE gồm cấm hủy mọi lệnh trong phiên ATO, ATC; chia nhỏ bước giá giao dịch: 10-15-100 đồng và tăng khối lượng giao dịch (KLGD) tối đa lên 500,000 cổ phiếu/chứng chỉ quỹ.

Sau 2 ngày “làm quen” với những thay đổi, không ít nhà đầu tư đã tỏ ra bối rối bởi theo nhiều người, việc màn hình giao dịch hiển thị quá nhiều mức giá với mức giá quá nhỏ sẽ làm cho NĐT bị rối mắt, màn hình không khác gì ma trận khiến khách hàng không thể nhìn nổi lệnh của mình tại vị trí nào, dẫn đến tâm lý e ngại và thận trọng khi đặt lệnh kẻo… bị nhầm. Thực tế nhà đầu tư phản ánh là có lý do, bởi quan sát bảng giá giao dịch hiện nay, mức giá 1 và giá 3 còn cách nhau chưa đến 100 đồng, bảng điện do đó nhìn đỏ lòm.

Hơn nữa, với cách trình bày như hiện nay, nhiều mã có cả dư mua, dư bán ở màu sắc xanh sàn, tím rất khó theo dõi. Trong khi đó, nhà đầu tư đã quá quen thuộc với các khái niệm về màu sắc tím (trần), xanh (tăng), vàng (đứng giá), đỏ (giảm giá), xám (giảm sàn). Vì vậy, không quá bất ngờ khi nhiều người bị loạn khi áp dụng vào quy chế mới những ngày đầu.

Về quy chế giao dịch mới này, trên thế giới đã áp dụng từ rất lâu và đã rất phổ biến. Ví dụ khi sàn chứng khoán New York (NYSE) mở cửa vào hơn 200 năm trước, bước giá thấp nhất là 1/8 của 1 đôla, hay 12,5 cents. Cho đến tận năm 1997, bước giá được điều chỉnh xuống còn 1/16 của 1 đôla. Và cuối cùng, tới năm 2001, bước giá được thay đổi xuống 1 cent.  

Ngoài ra, trên thế giới, biên độ giao dịch chứng khoán là không giới hạn và mua bán T+0 nên việc áp dụng bước giá nhỏ được đánh giá là có ý nghĩa. Trong khi đó, ở TTCK Việt Nam, việc áp dụng T+2 (thực chất là T+3) và có biên độ giao dịch sẽ khiến quy chế mới không giải quyết được nhiều vấn đề thậm chí như thời điểm hiện tại, đang gây khá nhiều rắc rối trong quá trình khớp lệnh.

Vẫn còn là quá sớm để đánh giá hiệu quả của những thay đổi trong quy định mới này tác động như thế nào đến các nhà đầu tư, tính thanh khoản của thị trường và sự tinh giảm về quy trình, nhưng có thể thấy sau 2 ngày áp dụng những quy chế mới, nhà đầu tư vẫn còn gặp khá nhiều rắc rối, ảnh hưởng đến tâm lý khi giao dịch.

Có thể thấy, không chỉ nhà đầu tư có ý kiến, mà đại diện một số công ty chứng khoán cũng nhận định, việc thay đổi làm cho nhà đầu tư đặt lệnh búa xua, không ít khách hàng đặt nhầm giá. Đó là chưa kể tại một số CTCK, các hệ thống giao dịch chưa thực sự cập nhật (cả ứng dụng giao dịch trên điện thoại) nên lại càng gây khó dễ cho những người tham gia thị trường chứng khoán trong thời gian này.

Đọc thêm