Sau khi tòa tuyên án, bị cáo ngất xỉu phải chở đi cấp cứu

(PLVN) - Ngày 01/10, TAND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo khoản 2, Điều 165 Bộ Luật hình sự.
Sau khi tòa tuyên án, bị cáo ngất xỉu phải chở đi cấp cứu

Tại phiên toàn xét xử sơ thẩm, sau khi xem xét các chứng cứ, TAND huyện Bình Sơn đã tuyên phạt bị cáo Đào Thị Thanh Thủy 24 tháng tù giam, Bùi Thị Như Mỵ 18 tháng tù giam, Nguyễn Thị Hải Hà 42 tháng tù giam. Các bị cáo khác bị tuyên phạt từ 5-12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Riêng bị cáo Nguyễn Thị Hải Hà, ngay sau khi tòa tuyên 42 tháng tù và thực hiện lệnh bắt giam ngay tại tòa đã ngất xỉu, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Bị cáo Nguyễn Thị Hải Hà đang nằm điều trị tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Quảng Ngãi
Bị cáo Nguyễn Thị Hải Hà đang nằm điều trị tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Quảng Ngãi

Theo cáo trạng, quá trình thực hiện đề án 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, thì từ năm 2010 đến năm 2013, Trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn lao động Dung Quất (gọi tắt Trung tâm) đã ký kết 7 hợp đồng liên kết đào tạo nghề gồm 33 lớp, 993 học viên với Sở LĐ-TB-XH Quảng Ngãi theo đề án 1956.

Trong số 33 lớp ký kết trên, qua điều tra xác định, xuất phát từ mục đích nhằm thu về nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động Trung tâm, bị can Đào Thị Thanh Thủy đã chỉ đạo, thống nhất với các nhân viên gồm: bị can Nguyễn Thị Hải Hà, Bùi Thị Như Mỵ, Bùi Thị Ly Na, Đào Trung Tuấn, Phạm Thị Thu Hiền, Nguyễn Văn Khoa, Phạm Minh Thuận lập hồ sơ thủ tục bằng phương thức lập khống, tẩy xóa tài liệu, chứng từ kế toán; thống nhất thỏa thuận với 5 cán bộ khác của Trung tâm ký xác nhận chứng từ sai sự thật, quyết toán khống 12 lớp học với số tiền hơn 660 triệu đồng.

Ngoài 12 lớp học trên, Trung tâm còn lập hồ sơ quyết toán khống một phần giá trị trong hồ sơ quyết toán đối với 4 lớp kỹ thuật xây dựng với tổng số tiền nâng khống gần 80 triệu đồng.

Đọc thêm