Cụ thể, ngày 7/11, ông Nguyễn Đức Tuy- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có Văn bản số 2381/VP NNTN chỉ đạo xử lý vụ việc khai thác trái phép cát tại thôn Đăk Nhoong, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk-Glei) và vụ khai thác vàng gốc tại 2 địa bàn giáp ranh xã Rời Kơi (huyện Sa Thầy) và xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi). Trong văn bản chỉ đạo, ông Nguyễn Đức Tuy gửi Sở TN&MT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện: Đăk-Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam.
Sau khi xem xét Văn bản số 608/BC-STNMT ngày 06/11/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép tại thôn Đăk Nhoong, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk-Glei) và dấu hiệu khai thác vàng gốc trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi )và xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy); Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Tuy chỉ đạo các đơn vị liên quan:
1- Đối với vụ việc khai thác cát trái phép tại xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei:
Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức khai thác cát trái phép theo đúng quy định của pháp luật và Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 21/6/2017 của UBND tỉnh về ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trong tháng 11/2017.
2- Đối với vụ việc có dấu hiệu khai thác vàng trái phép tái diễn tại tiểu khu 181, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi và khu vực giáp ranh giữa tiểu khu 181, xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) và tiểu khu 572, xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy).
Chủ tịch UBND các huyện Ngọc Hồi và Sa Thầy khẩn trương phối hợp tổ chức kiểm tra làm rõ sự việc; có biện pháp đánh sập các hầm vàng nêu trên; đồng thời tổ chức truy tìm đối tượng khai thác vàng trái phép để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
UBND huyện Ngọc Hồi, Công ty TNHH MTV Nguyên liệu giấy Miền Nam kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đã để xảy ra việc khai thác vàng gốc trái phép tiếp diễn tại khu vực này; có hay không sự tiếp tay của chính quyền địa phương cấp xã, của chủ rừng đối với hoạt động khai thác vàng gốc trái phép; làm rõ việc chưa thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đây của UBND tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Tuy- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum cũng nêu rõ, các đơn vị liên quan phải thực hiện nghiêm và phải báo cáo UBND tỉnh (qua Sở TN&MT) trong tháng 11/2017.
Trước đó, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã phối hợp với các ông Võ Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở TN&MT (trưởng đoàn); ông Trần Công Hậu-Chánh Thanh tra Sở; ông Phùng Mạnh Trung- Phó Đội trưởng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh); ông Mai Văn Tuấn-Chuyên viên phòng Khoáng sản “đột kích” thánh địa khai thác vàng trái phép 2 khu vực giáp ranh của xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) và xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) và vụ khai thác cát “khủng” tại bờ sông Đăk Blô, thuộc thôn Đăk Nhoong, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk-Glei).
Trong quá trình kiểm tra thực địa tại xã Đăk Nhoong (huyện Đăk-Glei) đoàn liên ngành đã bắt quả tang máy máy dùng để hút cát và khoảng 900m3 cát được tập kết thành bãi lớn. Còn tại địa bàn xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi) đoàn cũng phát hiện 1 hầm vàng tại tiểu khu 572, thuộc xã Rờ Kơi và 2 hầm vàng đang có dấu hiệu khai thác trái phép tại tiểu khu 181, thuộc xã Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi).
Vụ việc đã được Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh trong bài viết: “Đột kích “thủ phủ” khai thác vàng trái phép ở đồi “hai vú”.
Dư luận đang đặt ra nghi vấn: Có hay không việc chính quyền xã “bảo kê” để các đối tượng ngang nhiên khai thác khoáng sản tồn tại trên địa bàn trong một thời gian dài.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin!