Sau khi Báo đăng, Bí thư Thành ủy TP Quảng Ngãi đã trực tiếp thị sát, xử lý tình trạng khai thác cát; UBND huyện Tư Nghĩa lập đoàn kiểm và yêu cầu báo cáo thực tế; Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cũng ra văn bản, yêu cầu các cấp, đơn vị, các sở, ngành liên quan vào cuộc giải quyết triệt để tình trạng trên.
Các địa phương đồng loạt “ra quân”
Ngày 10/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký Công văn hỏa tốc 1513/UBND-NNTN về việc nghiêm túc thực hiện vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, sau phản ánh của Báo PLVN, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 4340 CV/TU ngày 6/4 về việc khẩn trương báo cáo các nội dung liên quan đến phản ánh của Báo PLVN, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo:
Sở TN&MT thực hiện đúng các nội dung, đối với mỏ đất đồi cát, sỏi lòng sông đã khai thác hết trữ lượng theo Giấy phép khai thác được cấp: Lập thủ tục trình UBND tỉnh thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác và thông báo cho các đơn vị tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường; lập thủ tục đóng cửa mỏ gửi Sở TN&MT thẩm định, trình UBND quyết định đóng cửa mỏ theo quy định.
Trường hợp UBND cấp huyện để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự trong dân, phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ, kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương các cấp theo đúng quy định. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.
Trước đó, ngày 4/4, Bí thư Thành ủy TP Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết đã có văn bản yêu cầu các lực lượng chức năng liên quan ra quân, mạnh tay xử lý tình trạng khai thác cát trái phép.
Đích thân ông Minh cũng liên tục có mặt tại các “điểm nóng” ở khu vực hạ lưu sông Trà Khúc để chỉ đạo xử lý. Tại các buổi thị sát, đối với bãi cát khai thác trái phép của Công ty TNHH MTV XD Phú Gia Tiên (thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà), ông Minh yêu cầu thu các máy múc, máy xúc và xử lý nghiêm minh hành vi sai phạm.
Tại điểm khai thác thủ công được UBND TP cấp phép cho các tổ đội, nhưng đã hết hạn hơn 1 năm, ông Minh yêu cầu các lực lượng ra quân kiểm tra trên tinh thần không bao che; làm rõ có hay không tình trạng buông lỏng quản lý, làm ngơ với sai phạm.
Về hiện tượng khai thác đất đồi trái phép tại thôn An Hội Nam 2 (xã Nghĩa Kỳ), ngày 10/4, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa đã ký công văn về việc thanh tra, xử lý vi phạm trong việc khai thác đất trái phép tại thôn An Hội Nam 2.
Chủ tịch UBND huyện Lê Trung Thành cho biết thêm, trước mắt qua kiểm tra thực tế của Tổ công tác xã Nghĩa Kỳ xác nhận, hiện tại có hiện tượng khai thác trái phép tại 3 thửa đất 493 (diện tích 28.864,7m2); thửa 468 (diện tích 4.184,6m2); thửa đất 464 (diện tích 7190,1m2). Tổng khối lượng khai thác đất 3 thửa trên được xác định 38.515,4m3.
Văn bản chỉ đạo của Thành ủy Quảng Ngãi |
Đưa vào chất vấn HĐND thời gian tới
Liên quan các vấn đề khai thác cát và đất trái phép, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có những trả lời chính thức.
Cơ quan này cho hay HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề vào năm 2017 “về việc thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2016” và chất vấn tại phiên họp của HĐND (tháng 12/2019). Qua giám sát và chất vấn, HĐND và Trường trực HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Lý giải về việc tỉnh từng có Quyết định số 527/QĐ-UBND ủy quyền cho cấp huyện tổ chức đấu giá, quản lý, cấp phép khai thác các điểm bồi tụ cát, sỏi lòng sông và quản lý cấp phép khai thác cát, sỏi bằng phương pháp thủ công, Thường trực HĐND việc cấp phép này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Khi ủy quyền thì cơ quan, tổ chức được ủy quyền phải thực hiện đúng nội dung và chịu trách nhiệm trước cơ quan cấp trên về việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn mà mình được ủy quyền, đồng thời tại Quyết định số 527/QĐ-UBND cũng quy định trách nhiệm sở, ngành và địa phương có liên quan.
Vì vậy, nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng khái thác trái phép thì thuộc trách nhiệm địa phương đó. “Việc ủy quyền cho các huyện, thành phố tại QĐ 527 là chưa đúng quy định pháp luật và UBND cũng đã hủy bỏ việc ủy quyền này”, cơ quan này khẳng định.
Để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, HĐND cần có tiếng nói như thế nào, quyết liệt như thế nào khi chọn vấn đề này đưa ra trình kỳ họp HĐND gần nhất, trong thời gian tới?
Đại diện Thường trực HĐND cho hay: “Thực tế hiện nay, các tổ chức, cá nhân khi được cấp phép khai thác khoáng sản thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về khoáng sản đối với Nhà nước (nộp thuế tài nguyên, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại phí, lệ phí khai thác theo quy định); nếu để khai thác trái phép thì Nhà nước sẽ không quản lý được tài nguyên và thất thu ngân sách nhà nước.
Để đảm bảo quản lý tài nguyên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đối với nội dung này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ xem xét đưa vào thảo luận về kinh tế - xã hội hoặc tiếp tục lựa chọn để chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh trong thời gian tới”.