Sau TikTok, WeChat, đến lượt ứng dụng nào “nộp mạng”?

(PLVN) - Sau khi WeChat và TikTok bị Tổng thống Mỹ Trump ban hành lệnh cấm, ứng dụng nào có thể nằm trong “tầm ngắm” của chính quyền Mỹ?
Sau TikTok, WeChat, đến lượt ứng dụng nào “nộp mạng”?

Một danh sách dài

Nếu chính quyền của Tổng thống Trump còn đang phân vân, động thái của Ấn Độ đói với các ứng dụng Trung Quốc có thể là một gợi ý. 

Mới đây, quốc gia Nam Á này đã cấm 59 ứng dụng liên quan tới Trung Quốc với lý do chúng đe dọa "chủ quyền và an ninh" của nước này.

Trong danh sách đó, ngoài TikTok và WeChat, có sự hiện diện của một loạt các tên tuổi lớn, bao gồm: Baidu Maps và Baidu Translate - đối thủ của các sản phẩm của Google từ nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm hàng đầu Trung Quốc; Weibo - dịch vụ blog cá nhân giống Twitter; Clash of Kings và Mobile Legends Bang Bang - hai trò chơi điện tử; CamScanner - một sản phẩm quét tài liệu; QQMail - một dịch vụ truyền tải tệp và email.

Theo các thông tin mà báo chí quốc tế ghi nhận được, Ấn Độ đang xem xét thêm 275 ứng dụng, trong đó có những tên tuổi khá quen thuộc đối với người Mỹ.

Danh sách này bao gồm: AliExpress - một ứng dụng mua sắm của gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Trung Quốc Alibaba; Trò chơi điện tử của NetEase - công ty xuất bản một số danh hiệu siêu anh hùng Marvel và những game khác; Các tựa game của Tencent Games, bao gồm Player Unknown Battlegrounds (PUBG) Mobile; Các ứng dụng mang nhãn hiệu Mi khác nhau từ nhà sản xuất điện thoại di động Xiaomi.

Báo chí Ấn Độ cho rằng, Supercell của Phần Lan - nhà phát triển trò chơi điện tử Clash of Clans - cũng có thể bị cấm ở Ấn Độ, do Tencent có cổ phần lớn trong doanh nghiệp này.

Nhiều người lo ngại, nếu Mỹ đi theo hướng “nắm cổ phần chi phối”, thì nhà phát hành Liên minh huyền thoại Riot Games và nhà sản xuất Fortnite Epic Games cũng cần phải lo lắng.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo từng đề cập rằng, phần mềm thu thập các mẫu nhận dạng khuôn mặt sẽ được quan tâm. Dù ông không đề cập đến bất kỳ sản phẩm nào cụ thể nhưng có rất nhiều công ty Trung Quốc sản xuất các sản phẩm như vậy.

Mạng xã hội Kwai và ứng dụng làm đẹp YouCam Makeup đều sử dụng thuật toán nhận dạng khuôn mặt. Cả hai đều nằm trong số các ứng dụng Trung Quốc bị Ấn Độ cấm.

Tìm cách lo xa...

Trên thực tế, những hạn chế của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc không hoàn toàn mới. Bởi, trong khoảng một năm trở lại đây, chính quyền của ông Trump đã đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế, để hạn chế các công ty trên mua công nghệ của Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ.

Trong số những doanh nghiệp được bổ dung thời gian gần đây có: Qihoo 360 - một công ty an ninh mạng; NetPosa Technologies - công ty sản xuất thiết bị quay video; CloudMinds - nhà cung cấp các công cụ dựa trên internet để điều khiển robot; iFlyTek - nhà cung cấp dịch vụ nhận dạng giọng nói; Megvii và Sensetime - hai nhà cung cấp công cụ nhận dạng khuôn mặt.

Đương nhiên, Trung Quốc kiên quyết phản đối động thái này.

Zoom - dịch vụ trò chuyện video được thành lập bởi doanh nhân người Trung Quốc Eric Yuan - đã phải đối mặt với những chỉ trích vì đã định tuyến "nhầm" một số cuộc gọi qua máy chủ đặt tại Trung Quốc trong quá khứ.

Mới đây, công ty này vừa thông báo sẽ ngừng cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người dùng tại Trung Quốc, thay vào đó sẽ cung cấp thông qua các đối tác địa phương, bắt đầu từ 23/8.

Theo các nhà quan sát, có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng động thái này chứng tỏ rằng các công ty công nghệ đang cảnh giác với việc Mỹ có thể vin bất kỳ lý do gì để xem xét chuyện làm ăn của họ.