Tại phiên họp sáng qua (23/4) Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, số lượng dự án luật, pháp lệnh được Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 là quá lớn, trong đó có nhiều dự án mới chưa có trong Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII, là vượt quá khả năng chuẩn bị, xem xét, thông qua của Quốc hội.
Cho ý kiến Luật về Hội, Luật Báo chí sửa đổi…
Trong khi Chính phủ không đề cập đến các dự án luật thuộc dạng cần sớm phải ban hành để kịp thời triển khai thi hành Hiến pháp như Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật về Hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Biểu tình... thì Ủy ban Pháp luật kiến nghị Quốc hội, thông qua đối với Luật Trưng cầu dân ý tại Kỳ họp thứ 9 cùng 14 dự án luật và cho ý kiến đối với Luật Báo chí (sửa đổi), Luật về Hội tại Kỳ họp thứ 10 cùng 8 dự án luật khác vào năm 2015.
Theo Ủy ban Pháp luật, Luật về Hội là một trong các dự án luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cần được sớm ban hành để thể chế hóa nội dung mới được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp, nhưng cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ với lập luận đầy đủ hơn.
Với lí do để có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa một số quy định mới của Hiến pháp bảo đảm tính khả thi và chất lượng của hai dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình hai dự án luật một kỳ họp.
Nhưng Ủy ban Pháp luật chỉ tán thành lùi trình Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) một kỳ họp Quốc hội để bảo đảm chất lượng, còn đề nghị giữ tiến độ việc trình Quốc hội Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, vì hai Dự án Luật này đã chậm so với tiến độ chung, so với yêu cầu trình Quốc hội xem xét cùng với các Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và liên quan đến nội dung của một số luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Không cần thêm kỳ họp chỉ để thông qua thêm ba dự án luật
Theo đề nghị của Chính phủ, năm 2015 Quốc hội tổ chức 03 kỳ họp (thêm 01 Kỳ họp chuyên đề (bất thường) về công tác xây dựng pháp luật) để xem xét, cho ý kiến, thông qua 38 dự án. Còn nếu chỉ có 02 kỳ họp như hàng năm thì Chính phủ đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 gồm 34 dự án. Ủy ban Pháp luật cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của Chương trình năm 2015, tránh bị điều chỉnh quá nhiều thì cần phải cân nhắc một cách thận trọng đối với từng dự án.
Tuy nhiên, việc tổ chức thêm một kỳ họp theo ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Tư pháp, nếu tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề thì phải bố trí lại thời gian tiến hành các kỳ họp cho phù hợp, ảnh hưởng đến việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp và các hoạt động bình thường khác; kéo theo nhiều chi phí, nhất là chi phí đi lại của đại biểu. Bên cạnh đó, nếu tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề vào giữa các kỳ họp thường lệ thì chỉ có thể vào tháng 3 hoặc tháng 7 nên chỉ có 01 đến 02 tháng để cho ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý đối với khoảng 20 dự án luật sẽ không thể bảo đảm thời gian, nhất là sẽ không bảo đảm chất lượng...
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị kéo dài kỳ họp thường lệ của Quốc hội để có thể cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án hơn. Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng tán thành việc Quốc hội nên kéo dài thời gian họp để xây dựng luật, chứ không tổ chức thêm một phiên họp chuyên đề như đề xuất của Chính phủ chỉ để thông qua thêm được ba dự án luật.