Sẽ mở khách sạn trên quỹ đạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từng là giấc mơ xa vời nhưng giờ đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và sự tham gia của các công ty tư nhân, việc khám phá vũ trụ dần trở thành trào lưu du lịch mới của giới “nhà giàu”.
Hành khách trên chuyến du lịch vũ trụ của Virgin Galactic hồi tháng 8/2023. Nguồn ảnh: Virgin Galactic
Hành khách trên chuyến du lịch vũ trụ của Virgin Galactic hồi tháng 8/2023. Nguồn ảnh: Virgin Galactic

Du lịch không gian - giấc mơ thành hiện thực

Cuối năm 2021, gần một thập kỷ sau khi Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) ngừng chương trình tàu con thoi, tỷ phú ngành thời trang người Nhật Bản Yusaku Maezawa đã có chuyến đi khứ hồi kéo dài 12 ngày, cất cánh từ Trái đất trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Đi cùng ông Maezawa còn có nhà du hành vũ trụ kỳ cựu người Nga Alexander Misurkin và trợ lý của ông Maezawa là Yozo Hirano. “Giấc mơ đã thành hiện thực”- vị tỷ phú hào hứng.

Maezawa không phải là người duy nhất theo đuổi thú vui “xa hoa” du lịch không gian, hay cũng được gọi là du lịch vũ trụ. Năm 2001, doanh nhân người Mỹ Denis Tito trở thành du khách đầu tiên bay ra ngoài không gian và ghé thăm ISS, với chi phí được cho là 20 triệu USD. Kể từ đó cho đến nay, ngành du lịch vũ trụ đã có những bước tiến dài, với không ít người đã có cơ hội khám phá không gian, tận hưởng cảm giác không trọng lực của một phi hành gia và ngắm nhìn Trái đất từ độ cao hàng trăm ki-lô-mét so với bề mặt Trái đất.

Du hành vũ trụ từng là đặc quyền riêng của những phi hành gia và nhà khoa học với những sứ mệnh đột phá. Tuy nhiên, thời gian qua, những tiến bộ khoa học công nghệ đã đưa đến tiến triển vượt bậc của các chương trình không gian được các chính phủ tài trợ. Sự tham gia của những công ty tư nhân cũng đã mở cánh cửa vào vũ trụ đối với các cá nhân, miễn là họ chấp nhận với mức giá được đưa ra. Điển hình, hôm đầu tháng 8/2023, Công ty Virgin Galactic của doanh nhân người Anh Richard Branson đã thực hiện thành công chuyến bay mang tên Galactic 02, đưa sáu người lên không gian cận quỹ đạo và trở lại Trái đất.

Ảnh minh họa. (Nguồn: menafn.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: menafn.com)

Galactic 02 lập kỷ lục là chuyến du lịch vũ trụ đầu tiên có số phụ nữ nhiều hơn nam giới, với bốn hành khách là nữ. Đây cũng là chuyến bay đầu tiên chở những người mua vé của Virgin Galactic. Chuyến bay diễn ra chỉ hai tháng sau khi Virgin Galactic thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên mang tên Galactic 01, với sự góp mặt của bốn hành khách. Tuy nhiên, các hành khách tham gia chuyến bay này để thực hiện một số nhiệm vụ, không phải để giải trí đơn thuần. Virgin Galactic cho biết họ đã nhận đặt chỗ của 800 hành khách và đã phải tiến hành quay số để chọn ra 50 hành khách đầu tiên của Công ty.

Có thể đưa hành khách vào vũ trụ mỗi ngày

Trở về từ chuyến đi đặc biệt, nữ hành khách Anastatia Mayers cho biết cô “bị ấn tượng” bởi trải nghiệm nhìn bao quát cả Trái đất; còn cựu vận động viên Olympic người Anh Jon Goodwin mô tả hành trình đó là “một trải nghiệm hoàn toàn siêu thực”, là trải nghiệm thú vị nhất trong đời ông. Goodwin đã tham gia chuyến đi với tấm vé được mua từ… 18 năm trước. Ở tuổi 80, mắc bệnh Parkinson, ông quyết tâm thực hiện chuyến đi với mong muốn truyền cảm hứng cho người khác. “Tôi hy vọng rằng tôi có thể truyền cho những người mắc bệnh Parkinson và tất cả mọi người niềm tin rằng bệnh tật không thể cản được các bạn thực hiện những điều khác thường”, ông nói. Giá vé khi Goodwin đăng ký tham gia chuyến đi ở năm 2005 là 200.000 USD, nhưng đến nay đã tăng lên thành 450.000 USD. Một số chặng du hành vũ trụ có mức giá lên đến 50 triệu USD.

Năm 2021, Virgin Galactic cũng ghi dấu ấn với việc thực hiện chuyến bay du lịch vũ trụ đầu tiên, với sự tham gia của chính Branson. Không chịu kém cạnh, chỉ vài ngày sau đó, ngày 20/7/2021, Công ty Blue Origin của tỷ phú người Mỹ Jeff Bezos chính thức gia nhập vào thị trường hàng không vũ trụ tư nhân với chuyến bay thương mại vào không gian đầu tiên. Tính đến nay, Blue Origin đã đưa 31 người vào vũ trụ bằng tên lửa phóng thẳng đứng. Cùng góp mặt trong “cuộc đua” tốn kém này còn có Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Hiện, để có thể sớm phục vụ cho hàng trăm khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ, Virgin Galactic đang chế tạo một đội máy bay vũ trụ. Công ty cho biết, sau khi tàu vũ trụ lớp Delta mới của họ đi vào hoạt động, dự kiến vào năm 2026, họ có thể đưa hành khách vào vũ trụ mỗi ngày!

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: The New York Times.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: The New York Times.

Ngoài ra Công ty Axiom có trụ sở tại Houston, Mỹ đang triển khai các bước để xây dựng các trạm vũ trụ của riêng họ trên quỹ đạo, phục vụ cho nhu cầu lưu trú dài ngày của các phi hành gia thương mại có trong tương lai. Không kém cạnh, Công ty Orion Span, cũng có trụ sở tại Mỹ, dự định sẽ mở khách sạn vũ trụ sang trọng đầu tiên trên quỹ đạo cách bề mặt Trái đất hơn 320km. Chi phí lưu trú tại khách sạn có sức chứa sáu người này lên tới từ 9,5 triệu USD mỗi người.

Ông Raaghav Belavadi, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ xa xỉ Hype Luxury có trụ sở tại Ấn Độ cho biết, để đạt được ước mơ du lịch vũ trụ, hành khách cần có quyết tâm cao, có sức khỏe tốt, chấp nhận rủi ro và nguồn tài chính dồi dào. Chi phí cho một hành trình như vậy đối với những cá nhân có nhu cầu tại Ấn Độ hiện dao động từ 500.000 đến 4 triệu USD, tùy thuộc vào nhà cung cấp, thời điểm,… Tuy nhiên, ông Belavadi tin tưởng rằng việc du lịch vũ trụ sẽ ngày càng trở nên dễ dàng, với chi phí có thể chỉ bằng tiền vé máy bay đường dài hạng nhất trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Du lịch (TURSAM) có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ trong một báo cáo mới đây nhận định, thị trường du lịch vũ trụ dự kiến sẽ tăng trưởng với mức 29%, đạt tới 4 tỷ USD vào năm 2030.

Đọc thêm