Sẽ phân định rõ hơn thẩm quyền về chứng thực để “dân không phải chạy vòng quanh”

(PLO) - Sau hơn 6 năm thi hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP và các văn bản liên quan, hoạt động chứng thực đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả cụ thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh Luật Công chứng đã được sửa đổi có quy định thẩm quyền chứng thực của các tổ chức hành nghề công chứng thì rất cần thiết phải có văn bản điều chỉnh một cách tập trung, thống nhất các vấn đề về chứng thực. 
Ông Nguyễn Viết Tuấn: “Cứ quy định dân phải lên huyện quả không dễ dàng gì cho họ”
Ông Nguyễn Viết Tuấn: “Cứ quy định dân phải lên huyện quả không dễ dàng gì cho họ”
Do vậy, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (gọi tắt là Dự thảo Nghị định về chứng thực).
Thẩm quyền còn phức tạp, chồng chéo
Bộ Tư pháp cho biết, mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác chứng thực vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc phân định thẩm quyền chứng thực còn phức tạp, chồng chéo. Cụ thể, về thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, theo quy định của Nghị định số 04/2012/NĐ-CP, việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ thuộc thẩm quyền của Phòng Tư pháp, UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt. 
Trong khi đó, các khái niệm về “giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt”, “giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài”, “giấy tờ, văn bản song ngữ” cũng chưa được quy định rõ ràng, gây khó khăn cho cơ quan thực hiện chứng thực, khiến cho một số yêu cầu chứng thực của người dân bị từ chối giải quyết.
Không những thế, thẩm quyền chứng thực Giấy ủy quyền trong một số văn bản liên quan cũng làm người dân “không biết đâu mà lần”. Bộ luật Dân sự quy định ủy quyền là một loại giao dịch nên UBND cấp xã không có thẩm quyền chứng thực, song trong cuộc sống lại phát sinh nhiều việc ủy quyền đơn giản, không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền, không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản như ủy quyền lĩnh lương hưu, trợ cấp, ủy quyền nhận bưu phẩm, ủy quyền nộp hồ sơ... Vì thế, khi có yêu cầu này, người dân phải đến các tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp huyện  vừa gây phiền hà, vừa tốn kém cho người dân, không đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài ra, theo Nghị định số 75/2000/NĐ-CP, UBND cấp huyện có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng. Điều này có nghĩa là cùng với các tổ chức hành nghề công chứng, tại những địa bàn chưa chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng thì UBND cấp huyện có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản có giá trị dưới 50 triệu đồng. 
Tuy nhiên trên thực tế, việc định giá tài sản là rất khó khăn, hầu hết phụ thuộc vào việc khai nhận của người mua, bán tài sản. Bên cạnh đó, có rất nhiều giao dịch liên quan đến động sản có giá trị thấp, giao dịch không phức tạp, thân nhân người tham gia giao dịch rõ ràng, tần suất thực hiện giao dịch cao (ti vi, điện thoại đắt tiền…) mà người dân vẫn phải đến tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp huyện thực hiện, không phù hợp tính chất của giao dịch và tăng chi phí, thời gian đi lại cho người dân.
Giá trị tài sản sẽ không là căn cứ xác định thẩm quyền
Để góp phần khắc phục những bất cập trên, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho biết, Dự thảo Nghị định sẽ phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực hợp đồng, giao dịch giữa UBND cấp huyện và UBND cấp xã, phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Dự thảo Nghị định. Đối với hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản, việc phân định thẩm quyền chứng thực giữa Phòng Tư pháp và UBND cấp xã không căn cứ vào giá trị tài sản mà căn cứ vào loại tài sản ấy có phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật hay không. 
Theo đó, Phòng Tư pháp thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản mà động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật; chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Còn UBND cấp xã thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến động sản mà động sản không phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật; thực hiện chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. 
“Việc quy định như vậy một mặt vẫn bảo đảm thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu chứng thực, mặt khác phân định rõ thẩm quyền của UBND cấp huyện, Phòng Tư pháp trong hoạt động chứng thực để tránh ùn tắc hoặc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan thực hiện chứng thực” – ông Khanh nhấn mạnh.
Tại cuộc họp thẩm định Dự thảo Nghị định diễn ra vào hôm qua (23/9) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, nhiều ý kiến băn khoăn về việc thay đổi căn cứ xác định thẩm quyền chứng thực có thực sự tạo thuận lợi cho dân hay không. Chia sẻ thực tiễn của địa phương, Trưởng phòng Tư pháp huyện Gia Lâm (Hà Nội) Nguyễn Viết Tuấn tâm tư, ngay ở Hà Nội, từ xã lên huyện đã phải đi khoảng 14 – 15km, đấy là chưa kể một số tỉnh khác có khi lên tới 80km, nên nếu cứ quy định dân phải lên huyện quả không dễ dàng gì cho họ. 
Nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp Trần Thất thì cho rằng, nếu vẫn chứng thực 3 nội dung (chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch) như hiện hành thì cần phân cấp mạnh dạn hơn nữa, tức là chuyển hết về cấp xã mới thật thuận tiện cho dân. Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Vũ Hồng Dương lại lo ngại, phân định thẩm quyền theo việc có phải đăng ký quyền sở hữu hay không thì gây khó cho cán bộ tư pháp cấp xã, thậm chí cả cán bộ cấp huyện, vì họ chưa chắc đã biết phải tra cứu văn bản nào để nắm được đâu là tài sản phải đăng ký.

Đọc thêm